Hãng Bloomberg đưa tin chất lượng không khí tại New Delhi trong ngày 3.11 đã giảm xuống mức tồi tệ, buộc chính quyền cho học sinh nghỉ học và cấm một số hoạt động xây dựng. Độ tập trung của bụi mịn (PM2.5) là 523 mg/m3, cao hơn 104 lần so với ngưỡng lành mạnh do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra. Loại bụi mịn này, có kích thước nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc, có thể đi vào mạch máu thông qua phổi nếu tiếp xúc lâu dài, và đã được liên kết với bệnh tim mãn tính và các bệnh hô hấp.
Chất lượng không khí tại thủ đô Ấn Độ đã suy giảm trong tuần qua do việc đốt đồng của nông dân các bang Haryana và Punjab kế bên. Khói bụi được thổi sang khiến bầu trời trong tình trạng xám xịt và người dân ra đường phải đeo khẩu trang. Các hoạt động khác góp phần dẫn đến ô nhiễm là khí thải của các phương tiện, việc xây dựng, đốt rác tại các khu xử lý rác thải.
Trong khi đó, hãng theo dõi IQAir cho biết với chỉ số chất lượng không khí tại một số khu vực lên đến 565, New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào sáng 3.11.
Học sinh được cho nghỉ đến hết tuần này trong khi các hoạt động xây dựng không thiết yếu bị cấm. Các bác sĩ trong thành phố cho biết đang nhận thấy ảnh hưởng của không khí ô nhiễm lên người dân khi số bệnh nhân gặp vấn đề hô hấp tăng lên, bên cạnh các triệu chứng như ho, lạnh, đau mắt, khó thở, theo tờ The Guardian.
Chính quyền New Delhi đã thực hiện chương trình hành động với các biện pháp như tưới nước lên đường để giảm bụi, cho xây 2 tháp để làm sạch không khí. Mỗi tòa tháp có giá hơn 2 triệu USD nhưng các nhà khoa học cho rằng biện pháp này gần như không hiệu quả. Chính quyền cũng cấm một số loại xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel và sẽ xử phạt 20.000 rupee (5,9 triệu đồng) nếu phát hiện vi phạm, theo AP.
Thành phố New Delhi là nơi sinh sống của khoảng 33 triệu người. Nơi đây thường xuyên nằm trong nhóm những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Viện chính sách năng lượng của Đại học Chicago (Mỹ) ước tính người dân New Delhi có thể bị giảm gần 12 năm tuổi thọ do sống trong môi trường không khí tồi tệ.