Đối tượng lừa đảo sẽ dùng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo,..) để lôi kéo nạn nhân truy cập vào các đường link có chứa mã độc. Chiêu trò quen thuộc mà kẻ gian thường sử dụng là kêu gọi đăng ký bình chọn hộ hay gửi quà tặng.
Mục đích của chúng nhằm thu thập thông tin và chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội. Sau đó, kẻ gian sẽ sử dụng tài khoản đã chiếm được để nhắn tin cho người thân trong danh sách bạn bè và hỏi vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Đáng nói, đối tượng lừa đảo sẽ gửi thông tin tài khoản có họ tên trùng với chủ tài khoản mạng xã hội để nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền. Chưa dừng lại, đối tượng lừa đảo còn có thể tái tạo khuôn mặt và giọng nói của chủ tài khoản bằng công nghệ Deepfake/Swapface.
Từ đó, kẻ gian sẽ tạo video giả mạo nhằm thực hiện những cuộc gọi video ngắn, kém chất lượng với lý do lỗi mạng để nạn nhân tin tưởng và thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu.
Để tránh sập bẫy của kẻ gian, người dùng cần hết sức cảnh giác và luôn luôn xác thực danh tính người thân trước khi chuyển tiền bằng cách gọi điện trực tiếp thông qua số điện thoại. Người dùng không nên xác thực danh tính qua ứng dụng nhắn tin hay cuộc gọi video trên các nền tảng mạng xã hội.
Đồng thời, người dùng tuyệt đối không chụp ảnh thông tin thẻ hoặc gửi mã bảo mật OTP qua bất kỳ ứng dụng nhắn tin, trang web hay gửi cho bất kỳ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng).
Bên cạnh đó, người dùng cũng không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai. Các ngân hàng cho biết họ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin trên.
Trong trường hợp không may rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo, người dùng cần nhanh chóng liên hệ đến ngân hàng đang sử dụng để có thể nhận được sự hỗ trợ kịp thời.