Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Anthony Albanese được kỳ vọng góp phần tái khởi động quan hệ song phương nhanh chóng hơn.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia ngày 15/11/2022. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 4-7/11, Thủ tướng Australia Anthony Albanese sẽ thăm chính thức Trung Quốc. Dự kiến, tại Bắc Kinh, ông sẽ gặp gỡ người đồng cấp chủ nhà Lý Cường, Chủ tịch Tập Cận Bình, trước khi tham dự Triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải.
Nỗ lực “rã đông”
Như vậy, ông Anthony Albanese sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của Australia đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2016. Lúc đó, cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Hàng Châu.
Khi ấy, quan hệ song phương tưởng chừng như đang ở trên đà phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, ít lâu sau đó, các cơ quan an ninh và truyền thông Australia bắt đầu bày tỏ quan ngại về làn sóng “can thiệp của nước ngoài”, cụ thể là Trung Quốc.
Dưới thời cựu Thủ tướng Scott Morrison, mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn khi chính trị gia này coi việc “đương đầu với Trung Quốc” là một phần làm nên thương hiệu chính trị của mình. Đơn cử trong số đó là nỗ lực của Ngoại trưởng Australia Marisa Payne khi đưa Canberra trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc gây áp lực, mở điều tra quốc tế về nguồn gốc gây ra đại dịch Covid-19. Điều này vốn được coi là “lằn ranh đỏ” với Trung Quốc. Động thái trên dẫn đến sự đáp trả quyết liệt của Bắc Kinh, với hàng loạt các lệnh trừng phạt/giới hạn với nhiều mặt hàng thương mại, còn đối thoại cấp cao “đóng băng”. Các biện pháp giải quyết thách thức của Australia với Trung Quốc những năm tiếp theo dẫn đến các “rào cản thương mại”, khiến mọi thứ càng thêm căng thẳng.
Mọi thứ chỉ dần cải thiện khi ông Albanese lên nắm quyền. Giai đoạn này, chính sách ngoại giao “bình tĩnh và xuyên suốt” của Australia với Trung Quốc đã góp phần giảm căng thẳng. Hai bên nối lại các chuyến thăm cấp Bộ trưởng, nổi bật là giữa Bộ Thương mại hai nước, giảm thiểu các gián đoạn thương mại trước đó.
Ngày 10/4 năm nay, với sự trung gian của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hai bên đã nhất trí về việc Bắc Kinh “xem xét kỹ lưỡng” thuế quan đã áp đặt với đại mạch của Canberra. Gần bốn tháng sau, Trung Quốc dỡ bỏ thuế quan với mặt hàng này. Ngay trong tháng đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell cho biết 55.000 tấn đại mạch với giá cả thị trường đã đến Trung Quốc.
Quan trọng hơn, nỗ lực thành công để dỡ bỏ thuế quan với đại mạch đã giúp Australia xây dựng một quy trình có thể áp dụng với các mặt hàng khác đang chịu hạn chế tương tự từ phía Trung Quốc. Hồi tháng Mười, Canberra khởi động lộ trình tương tự với rượu vang, với sắp tới có thể là tôm hùm và thịt bò.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của ông Anthony Albanese góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến trình “rã đông” trao đổi cấp cao, cũng như đàm phán tháo gỡ bất đồng về thương mại, từ đó, chính trị gia này có thể tiếp tục tìm kiếm những “trái ngọt” về kinh tế, đưa con số xuất khẩu sang Trung Quốc (203,25 tỷ AUD, tương đương 128,85 tỷ USD, tính từ đầu năm 2023 đến tháng 8/2023) tiếp tục “bay cao” trong thời gian tới.
Hợp tác khi có thể, bất đồng khi cần thiết
Bên cạnh kinh tế, thương mại, an ninh cùng một số vấn đề khác cũng đáng được lưu ý. Trước thềm chuyến thăm, gia đình học giả người Australia gốc Trung Yang Jun kêu gọi Thủ tướng Albanese yêu cầu trả tự do cho nhân vật này. Trước đó, ông Yang đã bị giam giữ với cáo buộc gián điệp từ năm 2019.
Hai bên có thể thảo luận về Hiệp ước an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). Tuần trước, ông Albanese đã tới Mỹ, gặp Tổng thống chủ nhà Joe Biden cũng như tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson. Nhấn mạnh quan hệ đồng minh, hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Đáng chú ý, trong lúc Hạ viện Mỹ đang rối ren, ông vẫn cố gắng gặp hơn 60 nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa, vận động họ sớm thông qua dự thảo về Hiệp ước an ninh AUKUS cuối năm 2023. Bắc Kinh từng kịch liệt phản đối thỏa thuận về tàu ngầm hạt nhân này. Hiện chưa rõ lãnh đạo Trung Quốc có nêu vấn đề này với ông Albanese trong chuyến thăm tới hay không.
Tuy nhiên, thái độ của ông Joe Biden đối với AUKUS, cũng như chuyến thăm của Thủ tướng Australia tới Trung Quốc là rõ ràng. Nhà lãnh đạo này nêu rõ: “Cùng với Anh, chúng ta (Mỹ và Australia) đang có khoản đầu tư nhiều thế hệ vào an ninh chung”. Về chuyến thăm Bắc Kinh của ông Albanese, Tổng thống Biden khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và hiểu rằng Thủ tướng (Australia) muốn tới Bắc Kinh và gặp ông Tập… Đối thoại với Trung Quốc và duy trì đường dây liên lạc là vô cùng quan trọng”. Theo nhà lãnh đạo này, “chúng ta đang cạnh tranh chiến lược tại khu vực. Đó là thực tại ở giai đoạn hiện nay”.
Về phần mình, ông Albanese khẳng định “nhìn nhận rõ nét” thách thức đến từ Trung Quốc. Phát biểu tại buổi chiêu đãi do Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken chủ trì, ông nhấn mạnh Canberra sẽ tiếp cận “kiên nhẫn, thận trọng và có tính toán” với Bắc Kinh: “Chúng tôi là hai đất nước có lịch sử, văn hóa và hệ thống chính trị vô cùng khác nhau. Australia luôn tìm cách hợp tác với Trung Quốc khi có thể, bất đồng nếu cần thiết và tiếp tục tiếp xúc, vì lợi ích của chúng tôi”. Chuyến thăm Bắc Kinh tới sẽ là dịp để ông minh chứng cho cách tiếp cận đó.