Với 201 phiếu thuận và 115 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, lên 64 tuổi, bất chấp làn sóng biểu tình mới phản đối cải cách đã diễn ra trên quy mô lớn tại Pháp từ hôm 7/3.
Theo kế hoạch, trong ngày 9/3, Thượng viện Pháp sẽ tiếp tục thảo luận về một điều khoản sửa đổi gây tranh cãi trong dự luật cải cách lương hưu về việc hủy bỏ các chế độ đặc biệt áp dụng cho viên chức quản lý đã nghỉ hưu. Hạn chót để cơ quan này hoàn thiện dự luật là cuối ngày 12/3.
Trong khi đó, các liên đoàn Pháp muốn tiếp tục gây áp lực bằng một đợt biểu tình mới vào thứ Bảy tuần này nhằm yêu cầu Tổng thống Pháp rút lại dự luật cải cách hưu trí của mình.
Kế hoạch cải cách chế độ hưu trí hiện đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Pháp. Theo số liệu từ Tổng công đoàn lao động Pháp (CGT), đã có khoảng 2 triệu người tham gia các cuộc tuần hành và đình công diễn ra trên toàn nước Pháp trong ngày 7/3 vừa qua.
Nhiều nghiệp đoàn lao động đã kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron đảo ngược kế hoạch cải cách chính sách hưu trí mà ông đang theo đuổi.
Tổng thống Macron đã đưa vấn đề cải cách chính sách hưu trí vào trọng tâm chương trình nghị sự, với lập luận rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu (từ 62 lên 64) và siết chặt các yêu cầu đối với người lao động để được hưởng lương hưu đầy đủ là điều cần thiết để giữ cho hệ thống lương hưu không bị thâm hụt.
Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng các biện pháp đề xuất không công bằng đối với người lao động trình độ thấp làm các công việc nặng nhọc và bắt đầu đi làm sớm. Theo một cuộc khảo sát do tổ chức thăm dò dư luận Elabe công bố ngày 6/3, gần 2/3 số người được hỏi ủng hộ các hoạt động phản đối cải cách trên.
Tại hầu hết các nước láng giềng châu Âu của Pháp, tuổi nghỉ hưu của người lao động hiện là 65 tuổi trở lên.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VOV)