Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh qua sông Hồng.
Theo đó, đối tượng dự thi phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát là các cá nhân, tổ chức tư vấn thiết kế trên khắp cả nước, có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia.
Các tổ chức, cá nhân dự thi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, hồ sơ dự thi trực tiếp đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tại số 1 Quang Trung (Hà Đông, thành phố Hà Nội).
Thời gian nộp hồ sơ thi tuyển phương án kiến trúc (giai đoạn thi tuyển) trong vòng 45 ngày kể từ ngày đơn vị tổ chức cuộc thi phát hành thông báo về các cá nhân, tổ chức vượt qua giai đoạn sơ tuyển được tham dự giai đoạn thi tuyển.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường Vành đai 3,5; góp phần kết nối liên thông Đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.
Mặt khác, cầu Thượng Cát khi được triển khai xây dựng cũng giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Cầu Thượng Cát có tổng chiều dài cầu và đường hai đầu cầu là 5,22km; trong đó tổng chiều dài cầu 4.060m, 8 làn xe; đường hai đầu cầu rộng 50-60m. Tổng mức đầu tư khoảng gần 8.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Trong đó, dự kiến dự án hoàn thành công tác phê duyệt phương án kiến trúc trong tháng 12/2023; phê duyệt dự án trước tháng 6/2024; khởi công dự án quý 1/2025 và hoàn thành dự án trong năm 2027.
Trước đó, vào năm 2022, thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc với cầu Trần Hưng Đạo.
Theo quy hoạch chung của thành phố, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, bao gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc – Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). Việc có thêm 10 cây cầu được xem là “át chủ bài” để Thủ đô đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong việc di chuyển đến các quận trung tâm cũng như đi các tỉnh thành lân cận.