Đau đáu với nghề truyền thống
Xuất thân từ một gia đình có nghề truyền thống đan đát ở huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), ngay từ nhỏ, sau giờ học, chị Trương Thị Bạch Thủy cặm cụi đan rổ tre để cuối tuần mang ra chợ bán. Do sản phẩm được đan khéo léo, bền đẹp nên được nhiều người ưa chuộng. Học đến cấp 3, chị học thêm nghề thủ công mỹ nghệ và mạnh dạn xin mở cơ sở kinh doanh sản phẩm từ tre khi mới vừa 17 tuổi.
“Tuy nhiên, do biến động của thị trường, các sản phẩm đan đát không cạnh tranh được với các mặt hàng gia dụng làm từ nhựa. Tôi phải rời làng nghề và kinh doanh nhiều thứ khác để mưu sinh. Tuy cuộc sống ổn định, nhưng lúc nào cũng đau đáu với nghề truyền thống của gia đình”, chị Thủy tâm sự.
Và rồi cơ duyên đến khi người tiêu dùng quay lại với các vật dụng làm từ tre để bảo vệ môi trường. Chị Thủy trở về quê nội ở xã Phú Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) để thành lập Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Thủy Tuyết.
Chị Thủy chia sẻ: Phú Tân có làng nghề đan đát truyền thống, có nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề cao. Tuy nhiên người dân chỉ hoạt động nhỏ lẻ, không biết cách kinh doanh và phát triển làng nghề. “Địa phương sẵn có nguồn nguyên liệu, chỉ cần khéo léo sáng tạo sẽ có những sản phẩm thủ công độc đáo. Vì vậy tôi thành lập HTX để làm cầu nối xây dựng chuỗi liên kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho người dân trong vùng”, chị Thủy cho biết thêm.
Nắm được nhu cầu thị trường, chị Thủy sản xuất những sản phẩm đan đát dùng để đựng thức ăn, vật trang trí hay quà lưu niệm,… rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện HTX là nơi nâng cao năng lực và kỹ năng hoạt động kinh tế của phụ nữ, giải quyết việc làm ổn định cho 32 xã viên và hơn 60 hội viên phụ nữ vùng lân cận. Mỗi hộ gia đình bình quân có thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng từ nghề đan đát nên mọi người rất gắn bó.
Chị Trần Thị Phiên ở xã Phú Tân cho biết: Trước đây chủ yếu đan những sản phẩm kích thước lớn vừa mất thời gian, vừa tốn nguyên liệu. Từ khi được HTX hướng dẫn và bao tiêu sản phẩm nên công việc thuận lợi hơn. Mỗi ngày, chị đan được khoảng 6 cần xé nhỏ, trừ chi phí, thu nhập trên 100.000 đồng.
Bà Dương Thị Trang – Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân – thông tin: Đây được xem là tín hiệu vui, bởi có nhiều sản phẩm đan đát làm bằng tre ra đời từ làng nghề không chỉ là sản phẩm gia dụng mà còn là sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, khơi dậy cảm hứng, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Phát huy tài nguyên bản địa
Hiện tại, HTX Mây tre đan Thủy Tuyết có hơn 600 mặt hàng các loại, từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, trang trí, du lịch đến tặng phẩm… được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Thụy Sĩ, Lào và các nước Châu Âu. Doanh thu năm 2022 đạt 12 tỉ đồng.
Theo chị Thủy, hiện làng nghề với 90% thợ là người dân tộc Khmer. Cùng với lợi thế có nhiều thợ giỏi trong làng nghề ở Sóc Trăng, HTX còn phát triển và ứng dụng cây tre vào xây dựng các công trình kiến trúc nhằm phát huy giá trị và bản sắc văn hóa con người Việt Nam.
“HTX trung bình tiêu thụ 200 tấn tre/năm và bao tiêu nguyên liệu cũng như các sản phẩm đan đát với bà con nông dân. Trong thời gian tới chúng tôi tập trung đào tạo tay nghề, kiến thức kinh doanh cho bà con để khai thác những những giá trị của tài nguyên bản địa, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng”, chị Thủy cho biết thêm.