Nhiều người khó khăn đã chọn rút BHXH một lần
Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật BHXH sửa đổi. Nêu ý kiến tại tổ Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, chính sách liên quan đến việc rút BHXH một lần được người lao động rất quan tâm.
Từ tài liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, hầu hết các nước đều không cho rút BHXH một lần. Với Việt Nam, thực tế nhiều người lao động gặp khó khăn trước mắt đã chọn rút BHXH một lần.
Về các phương án quy định việc rút BHXH một lần thể hiện trong dự Luật, Chủ tịch Quốc hội cho hay, nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm đoán người lao động rút bảo hiểm.
Tuy nhiên, cần phải thiết kế chính sách theo hướng lưu giữ những người tham gia BHXH trong hệ thống, hạn chế việc rút chế độ. Rõ ràng, có quyền rút bảo hiểm thì hễ gặp khó khăn trước mắt, người lao động lại tính rút hết chế độ.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu quan điểm, không nên phân biệt thời điểm cho rút bảo hiểm hay không khi luật có hiệu lực (theo đề xuất của Chính phủ là người tham gia BHXH từ 1/7/2025 không được rút bảo hiểm nữa-PV).
Chủ tịch Quốc hội lo ngại xây dựng quy định liên quan đến việc rút BHXH một lần làm “không khéo” sẽ tác động đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động, dẫn tới tình trạng rút bảo hiểm tăng lên.
Cơ sở nào quy định rút bảo hiểm một lần chỉ được 50% chế độ?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, theo phương án 2, ban soạn thảo đề xuất là người lao động chỉ được hưởng 50% chế độ khi rút BHXH một lần, 50% được giữ lại. Ông băn khoăn, cơ sở nào để cho rút với tỷ lệ 50% như vậy?
Lý giải của cơ quan soạn thỏa là với phần chủ sử dụng lao động đóng (14%), dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại để khi người lao động quay lại đóng tiếp BHXH sẽ được bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm để có lương hưu.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần.
Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, không được nhận BHXH một lần. Việc hưởng BHXH một lần chỉ được giải quyết trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như quy định hiện hành.
Bộ trưởng Tài chính đề nghị giữ lại khoản 14% do doanh nghiệp đóng vào quỹ hưu trí, phần còn lại mà doanh nghiệp, người lao động đóng (gồm 8% người lao động đóng, 3% người sử dụng lao động đóng vào quỹ ốm đau và thai sản và 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) có thể rút ra. Nếu như vậy, người lao động sẽ được rút với mức tương đương gần 46%, còn 54% được giữ lại.
“Như vậy, người lao động có thể lấy cả chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Riêng khoản hưu trí mà doanh nghiệp đóng thì phải để lại. Theo tôi, nếu được rút BHXH một lần, chỉ nên cho rút với tỷ lệ 46% đó”, ông Phớc phát biểu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính cũng đặt câu hỏi, phần chế độ được giữ lại như phương án 2 đến sau bao lâu không tiếp tục tham gia BHXH thì người lao động được rút nốt?
Về danh mục đầu tư của Quỹ BHXH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, hiện nay Quỹ được đầu tư vào 2 lĩnh vực.
80% đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, được đảm bảo chắc chắn, dùng để hỗ trợ cho ngân sách, xây dựng chính sách tài khóa. Khoản đầu tư này an toàn nhưng có lãi suất không cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, có những thời điểm lãi suất trái phiếu lên tới 8-10%, nhưng có giai đoạn xuống 4,7%, thậm chí chỉ còn 2,26% như trong thời điểm dịch Covid-19.
20% còn lại của Quỹ được gửi ở ngân hàng thương mại nhưng nhà nước cũng chỉ cho phép gửi tại 4 ngân hàng lớn để đảm bảo an toàn.