Cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ kiến nghị khởi tố
Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), dự thảo luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH (Điều 29); đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH (Điều 36 và Điều 37).
Trong đó quy định cụ thể hành vi: Chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng (như lĩnh vực thuế).
Quy định việc quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.
Cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, đặc điểm của lao động Việt Nam trong nền kinh tế có nhiều yếu tố khác biệt với các nước trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp thâm dụng lao động rất cao, có tuổi nghề ngắn. Có thể kể đến nữ công nhân bước sang tuổi 40 thì cơ hội lao động bị thu hẹp hoặc phải chuyển nghề.
Đại biểu dẫn chứng công nhân dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, lắp ráp điện, điện tử chiếm số lượng lớn. Khi 40-50 tuổi những công nhân này rất khó có thể tiếp tục làm việc.
Khi đó, mặc dù tuổi nghề đã hết nhưng tuổi về hưu thì chưa tới nên nhóm này cần rút bảo hiểm một lần bởi họ không thể chờ thêm 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa. Ngoài ra, họ cũng không có điều kiện để tiếp tục đóng bảo hiểm. Do đó, đại biểu đề nghị có quy định linh hoạt hơn với người lao động làm việc ở những lĩnh vực kể trên.
Về việc xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Trong đó, đại biểu đề nghị bổ sung tổ chức công đoàn có quyền kiến nghị khởi tố hoặc mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội qua giám sát cũng có quyền kiến nghị khởi tố chứ không phải chỉ có một đơn vị bảo hiểm xã hội.
Rất hiếm trường hợp trốn đóng BHXH bị xử lý
Với hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết dự thảo luật chưa đặt trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Cần lượng hóa trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội để tình trạng trốn đóng, chậm đóng giảm chứ không thể gia tăng theo tốc độ nhu thời gian qua.
Theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp FDI ngoài việc chậm đóng thì còn trốn đóng khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã để lại hàng trăm nghìn người lao động vất vả trong thụ hưởng chính sách ốm đau, thai sản.
Về việc xử lý, đại biểu cho rằng với tình trạng hiện nay, dự thảo luật không nên quy định việc trốn đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trở lên thì phải ngừng sử dụng hóa đơn.
Bởi khi đã trốn đóng bảo hiểm thì phải áp dụng quy định pháp luật hình sự chứ chỉ dừng ở mức ngừng hóa đơn sẽ không đủ sức răn đe, tác động đến doanh nghiệp. Việc ngừng hóa đơn chỉ áp dụng khi chậm đóng bảo hiểm bắt buộc.
Phát biểu ý kiến, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nêu rõ, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, từ trước đến giờ, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử gần như bằng 0. Vậy quy định hành vi này trong thực tế ra sao, nghẽn ở chỗ nào tại sao có quy định rồi mà mãi không xử lý được trong khi hành vi trốn đóng rất phổ biến?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, đoàn Thừa Thiên Huế nêu thực tế nhiều doanh nghiệp lách luật để “né” đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
“Chúng ta cũng thấy, doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mất khoảng 25% chi phí sản xuất, một con số rất nhiều ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp. Nên doanh nghiệp sẽ tìm cách né tránh”, ông Hải nói và cho biết né tránh bằng cách cho người lao động trợ cấp, nhận bổ sung chứ không tính vào tiền lương.
Thêm nữa, khi doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, hiện nay đã có luật, Luật Hình sự đã quy định. Tuy nhiên, theo ông Hải thời gian qua rất hiếm trường hợp xử lý, có chăng xử lý thì xử lý hình sự đối với pháp nhân chứ chưa có trường hợp nào xử lý đối với cá nhân.
“Đây cũng là vấn đề đặt ra của các cơ quan Nhà nước để quản lý, cần có một chính sách để quản lý hợp lý đối với các quy định của doanh nghiệp lách luật”, ông Hải nhấn mạnh.