Sau vệt bài của Báo SGGP “Chậm cập nhật danh mục thuốc BHYT: Khổ người bệnh, khó bệnh viện” phản ánh những bức xúc của người dân liên quan đến danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật BHYT 2014 hiện hành để khắc phục những bất cập; đồng thời đảm bảo sự thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội |
* PHÓNG VIÊN: Như Báo SGGP đã có bài phản ánh, việc danh mục thuốc BHYT chậm cập nhật được coi là ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích của người tham gia BHYT. Ông có bình luận gì?
– Ông NGUYỄN HOÀNG MAI: Đúng là việc danh mục thuốc BHYT (không theo tên thương mại của thuốc, mà theo dược chất) chậm được cập nhật trong khi công nghiệp hóa dược phát triển rất nhanh, nhiều loại thuốc mới ra đời… Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong mấy năm qua, có khoảng 400 loại thuốc mới, nhưng mới có 9% vào đến thị trường Việt Nam và danh mục thì nhiều năm qua chưa được cập nhật.
Vì sao? Lý do chính là thuốc mới (thuốc có chứa dược chất mới, dược liệu lần đầu tiên được sử dụng; thuốc có sự kết hợp mới của các dược chất đã lưu hành hoặc các dược liệu đã từng sử dụng) thường rất đắt, tập trung vào chữa trị những bệnh nan y. Giá đắt, khi đưa vào danh mục thì Quỹ BHYT phải chi trả, nên cần phải tính toán nhiều yếu tố: hiệu quả điều trị, mức đóng, hưởng và khả năng cân đối quỹ, từ đó mới thuyết phục được tất cả các bên liên quan.
Cần nhớ rằng, Quỹ BHYT cũng là quỹ đóng, hưởng. Sẽ không công bằng nếu cùng một mức đóng, có người được hưởng số tiền chi trả rất lớn lên đến hàng tỷ đồng, trong khi có người lại chỉ được hưởng vài chục ngàn đồng. Cho nên việc ban hành danh mục phải cân nhắc rất kỹ. Tuy nhiên, Luật BHYT hiện hành chưa có quy định rõ là sau bao lâu thì phải rà soát, cập nhật danh mục. Thông thường, các cơ quan chức năng 4-5 năm cập nhật một lần. Trong thời đại công nghiệp hóa dược phát triển, phương pháp điều trị thay đổi nhanh chóng, thời gian cập nhật như vậy là rất chậm và lạc hậu.
Người dân chờ nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: CAO THĂNG |
* Có thể yêu cầu đồng chi trả với tỷ lệ khác nhau để người bệnh có nhiều lựa chọn hơn không?
– Tôi cho rằng, đó là điều cần tính tới khi sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Với những loại thuốc mới đắt tiền, như thuốc điều trị ung thư chẳng hạn, thì tỷ lệ đồng chi trả phải khác, chứ quỹ BHYT không thể cáng đáng đến 80%. Tới đây, khi sửa Luật BHYT, tôi cho rằng có 2 nội dung phải tính toán đưa vào. Thứ nhất, là định kỳ rà soát, đánh giá thuốc mới, xu hướng chữa trị mới để cập nhật danh mục. Đó là một công việc đòi hỏi chuyên môn cao, phức tạp, nhưng không thể không làm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT. Thứ hai, là phải nghiên cứu tỷ lệ đồng chi trả đối với thuốc hiếm, thuốc đắt.
* Có thuốc, vật tư y tế nằm trong danh mục BHYT, nhưng cơ sở điều trị vẫn không có, phải yêu cầu bệnh nhân mua bên ngoài?
– Thiếu thuốc mới cho điều trị theo chính sách BHYT thì đúng. Còn thiếu thuốc, vật tư có trong danh mục BHYT chi trả là một câu chuyện khác, có nhiều nguyên nhân và tùy giai đoạn. Thời điểm này, qua quan sát của tôi là không thiếu đại trà, mà chỉ ở một số đơn vị. Để bệnh nhân phải bỏ tiền túi mua thuốc trong danh mục là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở điều trị. Người tham gia BHYT đóng tiền đầy đủ là đã hoàn thành trách nhiệm của mình, vậy thì bên cung cấp dịch vụ cũng phải hoàn thành trách nhiệm tương xứng.
* Dự án sửa đổi, bổ sung Luật BHYT không thấy có trong chương trình xây dựng pháp luật kỳ họp thứ 6 này, trong khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Như vậy, liệu có đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật?
– Bộ Y tế đang hoàn thiện dự án Luật BHYT (sửa đổi). Việc trình Quốc hội xem xét, thông qua luật này quả thực là vấn đề cấp thiết, được cử tri nhiều địa phương kiến nghị nhiều lần qua 2 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và khóa XV. Cá nhân tôi cho rằng dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2024, tất nhiên là nếu đảm bảo chất lượng.
Người dân chờ mua thuốc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
***
* Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN: Danh mục thuốc BHYT không giới hạn chủng loại Giải trình về danh mục thuốc BHYT tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 1-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, tính từ năm 2014 đến nay, đã có 5 lần bộ cập nhật danh mục thuốc BHYT.
“Việc rà soát danh mục hiện hành nhằm loại các thuốc có hiệu quả thấp, có cảnh báo an toàn, rà soát các chẩn đoán điều trị, xác định hiệu quả điều trị của thuốc mới so với thuốc tương tự đã có trong danh mục thuốc; đồng thời đánh giá được khả năng cân đối quỹ BHYT. Không phải cứ thuốc mới nào được phát minh là đều được nghiễm nhiên đưa vào danh mục thuốc BHYT. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức đóng BHYT với hơn 1.000 hoạt chất”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo bà Đào Hồng Lan, danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất thành phẩm, không ghi hàm lượng dạng bào chế và tên thương mại, nên việc lựa chọn thuốc thành phẩm được quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở y tế, không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc rẻ hay đắt, thuốc nội hay ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ BHYT, cơ sở xây dựng danh mục để lựa chọn cho phù hợp. “Đối với Nhật Bản, Pháp, các danh mục này họ ghi dưới dạng tên thương mại, vì vậy cần phải cập nhật thường xuyên”, người đứng đầu ngành y tế nói.
* Đại biểu Quốc hội PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Danh mục thuốc BHYT phải được cập nhật thường xuyên, đầy đủ Tôi có đọc bài viết dẫn chứng thực trạng thuốc BHYT đã nhiều năm chưa được cập nhật trên báo SGGP trong giờ giải lao sau phiên họp Quốc hội vào sáng 30-10. Là người có thời gian dài gắn bó với ngành y tế và từng đấu tranh nhiều về vấn đề này, tôi thấy thuốc BHYT là quyền lợi của người đóng góp BHYT phải được cập nhật thường xuyên, liên tục các loại thuốc mới nhất trên thế giới. Điều này rất cần thiết, bởi nó quyết định cho chất lượng, uy tín của BHYT. Không thể nói người dân được bảo đảm về y tế bằng cách có BHYT nhưng quanh đi quẩn lại thuốc không được cập nhật; những xu hướng trị liệu mới cũng không có. Đã đến lúc, danh mục thuốc BHYT phải được cập nhật đầy đủ, tốt nhất là 1 năm/lần hoặc 6 tháng/lần và được quy định trong luật cho rõ ràng.
Bên cạnh đó, rút ngắn khoảng cách các thuốc mới; bởi các thuốc này đã được nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu nghiêm ngặt mới được đưa vào lưu hành ở thị trường các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… nhưng khi đưa vào thị trường Việt Nam lại đòi hỏi đủ thứ, rất mất thời gian và như vậy rất thiệt thòi cho bệnh nhân. Khi chúng ta đặt ra chính sách BHYT là để người dân bớt bỏ tiền túi khi khám chữa bệnh, nhưng muốn như vậy thì dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc của ta phải đảm bảo chất lượng trong điều kiện cần thiết.
THÀNH SƠN – ANH THƯ ghi
Thiếu thuốc, vật tư y tế là thách thức dai dẳng
Bộ Y tế vừa có báo cáo nhanh về thực trạng và giải pháp mua sắm thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Nội dung báo cáo cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là thách thức dai dẳng, đây không phải là hiện tượng mới và nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Lý giải nguyên nhân này, Bộ Y tế cho rằng, nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, vấn đề biến động giá cả trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng xung đột quân sự… làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm. Giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất…
Trước thực trạng này, hiện Bộ Y tế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực thời điểm hiện nay là trên 22.000 thuốc, trên 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc bộ; đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.
THÀNH SƠN