Người bị chảy máu cam không ngửa đầu ra sau hay cúi người quá nhiều về phía trước mà nên ngồi thẳng để dễ cầm máu.
Chảy máu cam (chảy máu mũi) xảy ra khi các mạch máu nhỏ, mỏng manh ở mũi vỡ. Nguyên nhân có thể do chấn thương, dị ứng, thời tiết khô hanh, quá nóng, độ cao hoặc bệnh lý tiềm ẩn.
Người bị chảy máu cam nghiêng đầu ra sau làm giảm lượng máu chảy ra từ mũi nhưng có thể khiến máu chảy ngược từ mũi xuống phía sau cổ họng. Máu có thể đi vào đường thở dẫn đến nghẹt thở hoặc gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Ngược lại, cúi đầu xuống quá sâu (thư thế ngồi tim cao hơn đầu) khiến máu chảy ra nhiều hơn.
Để cầm máu mũi, nên ngồi trên ghế, thẳng lưng, hơi cúi về phía trước. Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp phía trước mũi (ngay phía trên lỗ mũi và bên dưới phần gốc xương cứng) và giữ trong 5 phút, sau đó kiểm tra xem máu đã ngừng chảy hay chưa. Khi máu ngừng chảy, nên ngồi thẳng, tránh cúi xuống hay xì mũi.
Chườm đá hoặc đặt túi chườm lạnh lên sống mũi, đồng thời giữ bình tĩnh và tránh căng thẳng giúp giảm chảy máu cam. Người bị chảy máu cam có thể dùng khăn giấy để thấm máu nhưng không lấy giấy vo tròn hoặc bông gòn nhét vào mũi vì có thể nghẹt thở, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Chảy máu cam ít khi nguy hiểm. Tuy nhiên nếu máu ra liên tục, kéo dài hơn 20 phút dù đã sơ cứu, đi kèm theo các triệu chứng như da nhợt nhạt, lú lẫn, đau ngực, khó thở, nuốt một lượng lớn máu gây nôn mửa thì người bệnh cần được chăm sóc y tế kịp thời. Người bị chảy máu cam sau chấn thương mũi nghiêm trọng như tai nạn giao thông nên tới bệnh viện gần nhất để xử lý.
Khi các bước sơ cứu không thể kiểm soát máu cam chảy, các biện pháp can thiệp y tế hỗ trợ có thể gồm bôi thuốc trực tiếp vào bên trong mũi để cầm máu. Bịt kín (đốt) mạch máu bị thương bằng hóa chất, dùng tia laser giúp đóng kín mạch máu, cầm máu nhanh hơn.
Tình trạng này có thể do yếu tố di truyền như giãn mao mạch xuất huyết. Người đang dùng thuốc làm loãng máu, gây cản trở quá trình đông máu nên hỏi ý kiến bác sĩ để đổi sang loại thuốc khác.
Không nên ngoáy mũi bằng ngón tay có móng sắc, nhọn; kiểm soát tình trạng dị ứng, cảm lạnh để tránh xì mũi thường xuyên. Sử dụng thuốc xịt mũi hay máy tạo độ ẩm phun sương cũng giữ ấm cho mũi, hạn chế tổn thương mạch máu.
Tránh va đập vào mũi khi thực hiện các hoạt động như chơi thể thao, mang vác vật nặng. Nếu chảy máu cam thường xuyên tái phát, người bệnh nên theo dõi và đi khám sớm.
Bảo Bảo (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |