Ý tưởng được hình thành từ những chuyến đi Trường Sa
+ Đọc ba cuốn sách “Cờ thắm giữa biển xanh”, “Điểm tựa xanh biên cương”, “Vững vàng nơi đầu sóng” được xuất bản liên tục trong 3 năm qua về 3 lực lượng đặc biệt: Hải quân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, đủ thấy bút lực dồi dào của người cầm bút và một hành trình đi, viết… và ra sách của một nhà báo có nghề thật đáng nể. Anh đã ấp ủ những bài viết ấy từ những chuyến tác nghiệp như thế nào, thưa anh?
– Để có một bài báo lý tưởng, một tác phẩm hay, quan trọng nhất chính là tư liệu cuộc sống. Với sách cũng vậy, quá trình xây dựng ý tưởng, nuôi dưỡng đề tài, chủ đề từ trước với tôi đều là vốn nguyên liệu quý giá. Như cuốn “Cờ thắm giữa biển xanh”, tôi xuất bản năm 2020 thì trước đó, vào năm 2010, khi lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với bao cảm xúc và ăm ắp kỉ niệm về những người lính.
Xuất phát từ chuyến đi ý nghĩa ấy, tôi lựa chọn cách tuyên truyền về biển đảo với nhiều góc độ khác nhau, bám sát vào đời sống của những người lính Hải quân nơi tuyến đầu Tổ quốc – Trường Sa, kể về hậu phương – điểm tựa cho họ yên tâm làm nhiệm vụ. Sau chuyến đi năm 2010, khi quay về đất liền, tôi có nhiều cuộc làm việc với Quân chủng Hải quân, các đơn vị của Quân chủng để thu thập thêm những tư liệu quý.
Sau 8 năm, năm 2018, tôi lại có dịp được trở lại Trường Sa lần 2, đúng thời điểm cuối năm Quân chủng Hải quân cử đoàn công tác ra chúc Tết quân dân huyện Trường Sa. Được gặp những chiến sĩ Hải quân – người cũ về, người mới ra nên thực sự đầy ắp thông tin giá trị.
Đúng như nhà văn Sương Nguyệt Minh nhận xét về cuốn sách của tôi: “Nguyễn Viết Tôn ra Trường Sa cũng như nhiều nhà báo sau này khi “con đường đã định”, “lối đi đã mòn”, anh phải chọn cho mình một cách đi khác với tả thực, kể thật… bằng ngôn từ, bằng hình ảnh, bằng suy tư. Qua ngòi bút của nhà báo Nguyễn Viết Tôn, bạn đọc cũng sẽ biết một Trường Sa khác – Trường Sa không chỉ là đảo, mà còn là huyện đảo có dân. Một Song Tử Tây khác – Song Tử Tây không chỉ là đảo mà còn là… xã đảo có dân. Một Sinh Tồn khác – Sinh Tồn xã đảo, có trường tiểu học. Đảo dân sự. Đảo bình yên…”.
+ Được biết, cuốn sách thứ 2 – “Điểm tựa xanh biên cương” cũng bắt nguồn từ cơ duyên đến với Trường Sa nhưng lại viết về… người lính biên phòng. Vì sao lại có điều thú vị như vậy, thưa nhà báo?
– Với người làm báo, những điều thú vị luôn ở trên mọi hành trình tác nghiệp, càng đi, càng thâm nhập thực tế thì càng có những điều thú vị đón đợi.
Cuốn sách thứ 2 của tôi cũng bắt đầu xây dựng ý tưởng từ những chuyến tác nghiệp Trường Sa lần thứ 3. Ở đợt này, hình ảnh đầu tiên tôi gặp được là những người lính biên phòng tại Trường Sa, một câu hỏi đặt ra là, sao ở ngoài đảo lại có lực lượng biên phòng? Và khi tìm hiểu sâu hơn, tôi thấy rằng, dù ở đất liền nơi biên cương Tổ quốc, hay hải đảo xa xôi thì người lính Biên phòng vẫn luôn là lực lượng quan trọng trong công tác dân vận, hỗ trợ ngư dân, sửa chữa tàu cá ngư dân mỗi khi hỏng hóc, gặp nạn trên biển… Những người lính Biên phòng nơi tuyến đảo xa xôi, thôi thúc tôi thu thập chất liệu mới, rồi tiếp tục mạch tư duy ấy để tìm kiếm các chất liệu về những người lính canh giữ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền ở biên giới, biên cương…
Và ngay cả cuốn sách “Vững vàng nơi đầu sóng” viết về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vừa xuất bản tháng 7/2023 vừa qua, tôi cũng lấy cảm xúc, ý tưởng từ những chuyến đi biển khi chứng kiến những người lính Cảnh sát biển Việt Nam đồng hành với ngư dân. Thêm nữa, qua những chuyến công tác cùng lực lượng Cảnh sát biển trên những hải trình thực thi pháp luật trên biển, tôi càng thấm đẫm nỗi gian truân, vất vả của những người lính Cảnh sát biển Việt Nam giữa thời bình can trường, luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước, Quân đội giao cho.
Đến với những người lính Cảnh sát biển Việt Nam dù ở vùng biển gần hay ở hải đảo xa xôi nơi tuyến đầu Tổ quốc, tôi luôn quan sát, ghi chép tỉ mỉ về cuộc sống, công việc của các anh. Chính các anh đã cho tôi những chất liệu tươi mới để sáng tác ra các tác phẩm báo chí đậm chất thông tấn, đầy ắp thông tin hơi thở cuộc sống, phản ánh sinh động, đậm nét về cuộc sống bình dị của anh bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình.
“Chất bột” để nuôi dưỡng đề tài…
+ Tôi có cảm giác những chuyến tác nghiệp của anh không phải chỉ vài ngày mà thậm chí vài tháng “nằm vùng”, cùng ăn cùng nghỉ, thậm chí cùng làm nhiệm vụ?
– Đó cũng chính là sự đặc biệt trong các tác phẩm báo chí của tôi, để có nhiều câu chuyện sâu sắc mang đến cho công chúng.
Tôi nhớ, giai đoạn vất vả nhất là giai đoạn đại dịch COVID-19, gần như những người lính họ không có khái niệm nghỉ phép. Tôi có dịp lên biên giới Apachải huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tác nghiệp thời điểm đó, khi gặp anh lính Biên phòng, do dịch bệnh nên chưa được nghỉ phép nên khi vợ sinh con không thể có mặt và con trai nay đã lớn mà vẫn chưa biết mặt bố.
Hay như có đồng chí học ở Liên bang Nga về, có cuộc sống rất đầy đủ, công tác tại Bệnh viện Quân y 175 nhưng vẫn tình nguyện ra Trường Sa công tác. Trước khi đi, mới cưới vợ được 3 tháng, một thời gian ngắn sau nhận được tin vui trong đất liền là vợ vừa sinh con, rồi cũng chỉ biết mặt con qua các cuộc trò chuyện điện thoại chứ không có cảm giác của người cha được ẵm con từ lúc lọt lòng…
Hay cả những câu chuyện đầy cảm động với hình ảnh người lính Cảnh sát biển lập bàn thờ bái vọng chịu tang cha trên tàu vì đang phải làm nhiệm vụ trên biển mà không kịp về… Đó là những hình ảnh rất ấn tượng, xúc động mà tôi được chứng kiến và nghĩ rằng, trách nhiệm người cầm bút cần phải viết ra các tác phẩm báo chí chuyển tải làm sao để bạn đọc biết được những hi sinh thầm lặng và lớn lao của những người lính. Họ luôn đặt tình yêu Tổ quốc lên trên hết, trước hết với mục đích cao cả, cho dù công tác ở lực lượng nào. Và có đi, có gặp, có sống cùng họ thì mới hiểu hết được. Những chuyến đi ấy đã cho tôi rất nhiều hình ảnh, video, tư liệu, những “chất bột” để nuôi dưỡng đề tài viết về lực lượng vũ trang…
+ Làm báo, ra sách… tất nhiên không có gì lạ nhưng liên tục và gắn với 3 lực lượng khá đặc biệt này, hẳn là cũng có những cơ duyên và may mắn đối với người làm báo, thưa anh?
– Đúng là vậy. Những năm 1999 – 2000, tôi được tuyển vào TTXVN, tôi đã chọn các địa bàn vùng núi để thường trú. Từng là phóng viên thường trú tại Phú Thọ, Yên Bái và là Trưởng cơ quan Thường trú TTXVN tại Điện Biên… đều là những địa phương miền núi, khó khăn. Năm 2008 sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi về “đầu quân” cho báo Tin tức, và cơ duyên được theo dõi lực lượng vũ trang ngay từ thời điểm đó.
Tôi bắt đầu làm quen dần, lại xuất thân là con em miền biển nên cũng thích thử sức mình trên trận tuyến mới là tuyên truyền về lực lượng vũ trang, những người lính bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đó cũng là sự ấp ủ của tôi với nghề, cảm thấy được thỏa sức sáng tạo. Thay vì trước đây chỉ viết về đồng bào dân tộc thiểu số, thì giờ chuyển sang một lĩnh vực mới khiến tôi rất hào hứng và thấy thật vui vì đã có những “gặt hái” những giải báo chí trong nghề cầm bút .
Thành công ở chỗ là có những tuyến tin bài để lại ấn tượng với bạn đọc và tên tuổi của mình qua mỗi tác phẩm báo chí viết về quân đội và được lực lượng vũ trang đón nhận. Với tôi, để vừa làm báo, vừa in sách có sự hội tụ của nhiều thứ, phần vì đam mê, có tư duy nuôi dưỡng đề tài, phần cũng phải có kĩ năng lưu trữ tư liệu cẩn thận và hệ thống mới đảm bảo được nguồn cho cuốn sách.
Người lính Hải quân, người lính Cảnh sát biển hay những chiến sĩ Biên phòng và cả những ngư dân là hình ảnh đầy đủ nhất về biển, đảo Tổ quốc trong các tác phẩm của tôi… Cả 3 cuốn sách được phát hành số lượng lớn trong hệ thống thư viện của Quân đội, chẳng hạn như cuốn “Điểm tựa xanh biên cương” phát hành ở các Đồn biên phòng. Cuốn “Vững vàng nơi đầu sóng” cũng được phát hành khắp các đơn vị thuộc BTL Vùng Cảnh sát biển 1 – 2 – 3 – 4 và các Hải đoàn của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam…
+ Vâng cảm ơn nhà báo!
Hà Vân (Thực hiện)