Được tiếp đón nhiệt tình bởi Ban quản lý rừng U Minh Hạ (Cà Mau), chúng tôi đi xuyên rừng ngay sau đó bằng chiếc võ lãi (hay còn gọi là tắc ráng), một loại thuyền máy rất hữu dụng và phổ biến ở miền sông nước.
Trời mát dịu, cơn mưa rào vừa dứt hạt, phía xa xa đường chân trời là chiếc cầu vồng sáng rực sau màn mây xám đang trôi dần. Khắp bốn bề, cây cỏ xanh rì một màu mát mắt, nước trong veo nhưng kỳ lạ thay, nó lại có một màu đen tuyền rất khác với con nước ở những dòng sông lớn như sông Tiền hay sông Hậu.
Nguyên nhân bởi có lớp than bùn lưu cữu ở phía dưới lòng kênh đã tồn tại hàng ngàn năm, mà nước lại quá trong nên lớp than bùn đó phản chiếu lên mặt nước thành một màu đen tuyền kỳ bí. Nước rất sạch, anh kiểm lâm hướng dẫn đoàn đã tự chứng minh điều đó bằng cách vốc một bụm nước vào tay mà uống tự nhiên giữa rừng.
Một trong những khám phá đáng nhớ nhất khi đến U Minh chính là đi xem người dân gác kèo ong, thu hoạch mật. Đây là một hoạt động khai thác kinh tế hiệu quả được phép ở U Minh, bởi nó hoàn toàn không xâm lấn vào hệ động thực vật ở rừng.
Nghề gác kèo ong đã có lịch sử hàng trăm năm, khi các lưu dân từ xứ khác đổ về U Minh lập nghiệp. Ngay trong tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của “ông già Nam Bộ” – nhà văn Sơn Nam cũng đã phóng bút đưa nghề ăn ong này lên thành một thứ “đạo” trong văn hoá miền Nam trước đây.
Chúng tôi cũng được học cách nhổ ngọn cây bồn bồn để lấy các đoạn ngó trắng phau, về làm món gỏi trộn khô cá sặc – cực phẩm trong ẩm thực miền Nam.