Khi học sinh ”không có gì để chơi”
Trong giờ ra chơi (trên dưới 30 phút), không ít học sinh chỉ biết ngồi ì và hệ quả lâu dài là các em lười vận động. Có những mâu thuẫn, xích mích dẫn đến bạo lực học đường đa số xuất phát từ giờ chơi vì học sinh “không có gì để chơi”.
Vì thế, nếu nhà trường biết tận dụng “thời gian vàng” là giờ ra chơi thì sẽ đạt được nhiều mục đích giáo dục học sinh.
Để tạo ra “sân chơi” hiệu quả trong “giờ vàng” này, nhà trường cần tổ chức hoạt động liên tục, phong phú thông qua nhiều hình thức theo các chủ điểm của năm học và tùy theo điều kiện của từng trường.
Chẳng hạn, nhà trường có thể tổ chức để các câu lạc bộ thực hiện chương trình phát thanh học đường (quà tặng âm nhạc, chúc mừng sinh nhật, phát thanh theo các chủ đề từng tháng theo trong năm học).
Thầy cô có thể tổ chức những cuộc thi vận động, như nhảy dây tập thể, đá bóng mini, kéo co, nhảy flashmob… Nhà trường có thể tổ chức thi thuyết trình sách, giới thiệu sách hay cho học sinh tại thư viện.
Nhân viên tư vấn tâm lý của trường cũng nên tận dụng giờ ra chơi để trao đổi, thảo luận về các vấn đề cần kíp cho học sinh trong học tập, sức khỏe tâm thần.
Đa số trường học đang lãng phí giờ ra chơi, nhưng cũng có nơi nỗ lực tổ chức hoạt động ý nghĩa phục vụ học sinh.
Chẳng hạn, tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM), năm nào cũng vậy, nhà trường sắp xếp giờ chơi trong nhiều tháng của học kỳ 1 để tổ chức hoạt động thể thao chào mừng ngày 20.11.
Trong suốt thời gian đó, học sinh cứ háo hức chờ đến giờ chơi để cổ vũ vì thế sân trường lúc nào cũng náo nhiệt trong giờ ra chơi.
Phát huy vai trò các câu lạc bộ trong trường học
Tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), Đoàn trường tận dụng hầu hết giờ chơi để tổ chức các hoạt động. Sôi nổi nhất là môn nhảy dây tập thể trong trong học kỳ 1 và thi nhảy flashmod trong học kỳ 2.
Rõ ràng các cuộc thi này lôi cuốn học sinh tham gia trong nhiều tháng. Ngoài ra, Đoàn trường và các tổ bộ môn còn tổ chức những hoạt động khác như phát thanh tuyên truyền, quà tặng chúc mừng sinh nhật, nhảy hiện đại, cuộc thi về sáng tạo kỹ thuật (lý, hóa).
Thầy Phạm Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, cho biết chủ trương của nhà trường là tạo mọi điều kiện cho học sinh được sinh hoạt, vui chơi trong các giờ ra chơi, giúp các em có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, tránh thụ động, ù lì, mạnh dạn hòa nhập với xu thế mới của xã hội.
“Vì thế, ngoài các phong trào thi đua được tổ chức trong các giờ chơi, nhà trường còn tận dụng thời gian này để phát huy vai trò, kỹ năng của các câu lạc bộ như: câu lạc bộ phát thanh, truyền thông; câu lạc bộ thể thao, nhảy hiện đại; câu lạc bộ văn nghệ; câu lạc bộ đọc sách tại thư viện… Thu hút học sinh tham gia các hoạt động sẽ góp phần hạn chế những va chạm, dẫn đến bạo lực học sinh”, thầy Cường nói.