Việc các lực lượng Ukraine không đạt được nhiều kết quả trong cuộc phản công trong mùa hè vừa qua và chịu nhiều thiệt hại về vũ khí, trang thiết bị, đồng nghĩa rằng Kiev phải chiến đấu thận trọng nếu muốn giữ thế chủ động trên chiến trường.
Bất chấp những nỗ lực phản công trong năm tháng qua, quân đội Ukraine vẫn chưa chọc thủng được tuyến phòng thủ của Nga, hiện Ukraine đang phải đối mặt với một loạt thách thức khó khăn. Đó là, tiếp tục duy trì áp lực lên Nga, trong khi phải tái cơ cấu lại các đơn vị chiến đấu cho các hoạt động tấn công tiếp theo.
Thế trận trên chiến trường
Cả Nga và Ukraine đều gặp khó khăn trong việc tạo ra sức mạnh chiến đấu tấn công trong năm 2023. Sự tổn thất về lực lượng nhất là những sĩ quan chỉ huy và binh sĩ được đào tạo có kinh nghiệm trên chiến trường đã hạn chế việc tổ chức và phối hợp các hoạt động tấn công.
Đối mặt với tuyến phòng thủ có các bãi mìn dày đặc, lực lượng Ukraine hoạt động rất hạn chế. Khi mở rộng quy mô hoạt động, lực lượng Ukraine mất đi sự đồng bộ với vũ khí, phương tiện hỗ trợ. Tương tự, Nga cũng gặp khó khăn trong việc phối hợp và điều phối các hoạt động với quy mô lớn hơn.
Đối với cả Nga và Ukraine, khả năng mở rộng quy mô để có thể hoạt động hiệu quả bị hạn chế do thiếu binh sĩ được đào tạo. Các đơn vị Ukraine chuẩn bị ra mặt trận đang được đào tạo với quy mô lớn hơn tại địa điểm xa chiến trường để bảo đảm an toàn. Trong khi đó, Nga cũng đang phải điều động lực lượng dự bị để duy trì sức mạnh cho các đơn vị ở tiền tuyến.
Nhà nghiên cứu Jack Watling tại Viện Nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) đánh giá, trong mùa đông năm 2022, phần lớn mặt trận chứng kiến các cuộc giao tranh dữ dội, nhưng chỉ có những nỗ lực hạn chế của Ukraine nhằm thay đổi chiến tuyến.
Tuy nhiên, việc quân đội Ukraine không đủ sức mạnh tạo ra đột phá nào đã tạo điều kiện để Nga xây dựng ba tuyến phòng thủ rộng lớn bằng mìn, chiến hào và chướng ngại vật, khiến các hoạt động tấn công của Ukraine trong mùa hè vừa qua trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Nếu Ukraine không tiếp tục gây áp lực lên tuyến phòng thủ của Nga trong mùa đông năm nay, nguy cơ các tuyến phòng thủ này sẽ được mở rộng. Vì vậy, Kiev phải cân bằng việc tái bố trí lực lượng với nhu cầu duy trì áp lực lên các lực lượng Nga.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, chiến dịch phản công của Ukraine có vẻ không đạt được tiến bộ đáng kể trước sức mạnh phòng thủ đáng gờm của Nga, nhưng cũng khiến nguồn nhân lực của Nga thêm căng thẳng.
Khó khăn của Ukraine
Ukraine sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn do sự thay đổi cán cân lợi thế về vũ khí. Trong mùa hè năm nay, lần đầu tiên Ukraine giành được ưu thế về hỏa lực pháo binh, nhưng lại chứng kiến tốc độ tiêu thụ đạn dược trên 200.000 viên mỗi tháng.
Thời gian tới, Ukraine sẽ không có đủ đạn dược để duy trì tốc độ bắn như thế này, trong khi kho dự trữ của NATO đang cạn kiệt và tốc độ sản xuất đạn dược quá thấp so với nhu cầu sử dụng.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất trong nước của Nga đã có sự chuyển đổi, số lượng đạn dược tăng nhanh. Ngoài ra, phương Tây cho rằng Nga còn đang nhận được nguồn cung từ một số quốc gia khác, tuy nhiên Nga vẫn phủ nhận thông tin trên.
Nhà nghiên cứu Jack Watling nhận định rằng, một thách thức khác đối với Ukraine là vấn đề phòng không, các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho Ukraine. Nga sẽ giành được lợi thế quyết định trên chiến trường khi lực lượng không quân của nước này có thể ném bom từ độ cao trung bình, làm tăng đáng kể độ chính xác của các cuộc tấn công.
Quân đội Nga đang ngày càng nhận được nhiều vũ khí tấn công hơn từ việc tăng cường và mở rộng dây chuyền sản xuất của ngành công nghiệp quân sự. Số lượng tên lửa tầm xa đã được sản xuất tăng gấp đôi trong năm qua. Vào tháng 10/2022, Nga sản xuất khoảng 40 tên lửa tầm xa mỗi tháng, hiện này họ đang sản xuất hơn 100 quả/tháng và được bổ sung thêm một số lượng lớn máy bay không người lái Geran-2.
Hơn nữa, vào ngày 18/10, các hạn chế của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với chương trình tên lửa của Iran sẽ hết hiệu lực. Nga đã trao đổi với Iran về vấn đề cung cấp tên lửa sau ngày đó, với kỳ vọng quốc gia Hồi giáo này sẽ là nguồn cung cấp dồi dào tên lửa phục vụ cho mùa chiến dịch đông của Nga.
Gần 20 tháng xung đột đã làm hao mòn rất nhiều nguồn lực quân sự của cả hai bên nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ đầu tháng 6 năm nay, Kiev đã mở chiến dịch phản công và giành lại quyền kiểm soát một số thành phố, làng mạc.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để duy trì đà phản công trong mùa đông sẽ là một thách thức rất lớn với Ukraine bởi một nửa hạ tầng năng lượng đã bị phá hủy có thể làm gián đoạn các hoạt động hậu cần quân sự. Hơn nữa, mùa đông có thể thách thức khả năng viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine, khi các nước này phải đối phó với vấn đề căng thẳng nguồn cung năng lượng.
Lê Hưng(RUSI)