Giá điện vẫn mang màu sắc “bao cấp”
Đó là quan điểm được PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra tại tọa đàm về “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 31/10.
Ông Trần Đình Thiên chia sẻ: Giá điện của chúng ta tính bao cấp còn khá nặng nên mức giá khá thấp, trong khi mấy năm gần đây chi phí giá thành sản xuất điện tăng rất cao. Cụ thể, các điều kiện đầu vào, vốn, tỷ giá thậm chí giá các năng lượng khác cũng cao nhưng giá điện của Việt Nam vẫn rất thấp, có tăng nhưng hầu như không đáng kể.
Giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023, mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn 2020-2021.
Do đó, thực tế, giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, vẫn cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.
“Việc giữ giá điện thấp khiến chúng ta phải trả giá bằng việc thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất điện, EVN và nhiều doanh nghiệp bị lỗ rất nặng”, ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, cho rằng các lần điều chỉnh giá điện vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện. Chúng ta không tính đủ giá thành của điện vào trong giá.
“Như năm ngoái, giá thành tăng 9,27% nhưng chúng ta chỉ điều chỉnh có 3%. Tất cả những điều đó gây khó khăn về nhiều mặt. Một là, dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh của ngành điện, chưa nói đến tái sản xuất gặp khó khăn. Hai là, giá điện càng thấp thì nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải”, ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.
Hơn nữa, giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường.
Vì thế, vị chuyên gia này khẳng định đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện, làm sao bảo đảm được nguyên tắc đề ra.
Phải chấp nhận giá điện theo thị trường
Ông Trần Đình Thiên cho rằng: Giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của Nhà nước phải tách riêng ra vào phần an sinh xã hội.
“Không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp”, ông Trần Đình Thiên lưu ý. “Chúng ta không nên lập luận là ‘thu nhập thấp nên giá điện thấp’ mà phải lập luận ở mức tổng thể hơn đó là ‘giá điện phải đúng để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng”, ông nhấn mạnh.
Do đó, ông Trần Đình Thiên cho rằng, để tính đúng, tính đủ thì nguyên tắc thị trường phải là yếu tố chi phối và dẫn dắt. Giữa giá điện thị trường với các nhóm thu nhập thấp, chính sách xã hội cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp và tách bạch. Khi đó, EVN và các đơn vị không phải gánh lỗ và có nguy cơ phá sản như hiện nay.
“Tôi đã từng nói giá điện cao chưa chết, nhưng mất điện mới là gay. Công cụ giá cần phải được đưa ra sử dụng tích cực và hiệu quả nhất theo nguyên tắc thị trường. Tính đúng, tính đủ là yếu tố khách quan và dẫn dắt sự phát triển của ngành điện” – ông Thiên nêu quan điểm.
Tán thành ý kiến của PGS.TS. Trần Đình Thiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ: Cơ cấu điện hiện nay có nhiệt điện, thủy điện và các nguồn khác, trong đó rẻ nhất là thủy điện (chiếm 28%) còn lại là nguồn điện giá thành cao. Nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu hay nhiệt điện khí không thể có giá thành thấp được.
Ví dụ như giai đoạn thủy điện xuống mực nước thấp, chúng ta phải huy động tối đa các nguồn điện giá cao, như than nhập khẩu, dầu để đảm bảo nhu cầu điện của cả nền kinh tế. “Nếu tính đúng thì giá thành điện chạy bằng dầu sẽ lên đến 5.800 đồng/kWh, còn điện than khoảng 2.500-2.800 đồng/kWh.
“Chúng ta không thể mua cao – bán thấp do sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào”, ông Thỏa nói và nhấn mạnh giá điện cần được tính đúng, tính đủ.