Thực tế thì, ECB vẫn đang tiếp tục gây áp lực buộc các ngân hàng thuộc các nước thành viên EU cắt đứt hẳn quan hệ với Nga.
Những thực thể dùng dằng không dứt, EU thừa nhận khó ‘dứt tình’ với Nga bởi lý do này. (Nguồn: Reuters) |
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục gây áp lực buộc các ngân hàng phải “nới lỏng” quan hệ với Nga. Tuy nhiên, tổ chức này tự hiểu rằng, không dễ để các ngân hàng có thể đạt được sự chấp thuận từ chính quyền địa phương.
Giám sát viên ECB Andrea Enria đã tuyên bố điều này, đồng thời cung cấp thêm thông tin rằng, “Chúng tôi tiếp tục gây áp lực lên các ngân hàng để thu hẹp quy mô và hướng tới khả năng rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Nga.
Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận rằng, có những hạn chế về mặt pháp lý và để các ngân hàng rút khỏi hoạt động kinh doanh, họ cần tìm người mua phù hợp và xin phép chính quyền địa phương ở Nga, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Trong đó, trường hợp điển hình là Ngân hàng quốc tế Raiffeisen (RBI) của Áo – ngân hàng cho vay lớn nhất của phương Tây vẫn hoạt động ở Nga sau khi nổ ra chiến dịch quân sự Nga-Ukraine – vẫn đang tiếp tục trì hoãn việc rút khỏi Nga, vì vẫn muốn bảo vệ mối quan hệ lâu dài với Moscow, ít nhất là về mặt lợi ích.
Dù RBI đã công bố ý định rời khỏi thị trường vào tháng 2/2022, nhưng sau đó lại tuyên bố trì hoãn đến cuối năm 2023.
Theo Reuters, thực tế Vienna và RBI đều đang nỗ lực đối phó với áp lực buộc phải rời khỏi Nga, với hy vọng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ sớm đến hồi kết.
Một số quan chức ở Vienna được cho là không thích việc cắt đứt mối quan hệ hàng thập kỷ với Moscow. Họ vẫn nuôi hy vọng, mối quan hệ có thể được khôi phục sau khi xung đột quân sự kết thúc, bất chấp sự ủng hộ công khai của Áo đối với Ukraine, kể cả việc tham gia chiến dịch trừng phạt kinh tế chống Nga của phương Tây, theo Reuters.
Ngày 29/8, sau nhiều tháng bị thúc giục, CEO của Ngân hàng Raiffeisen cho biết, đến nay vẫn chưa thể đưa ra khung thời gian cho việc bán hoặc chia tách tài sản của mình. CEO Johann Strobl cho biết, RBI đã sẵn sàng bán hoặc thực hiện các hoạt động chia tách, nhưng để có thể thực hiện điều đó, cần có sự chấp thuận của chính phủ Nga, ngân hàng trung ương, nhiều cơ quan chức năng khác và cả ở châu Âu, trước khi yêu cầu các cổ đông của mình đóng cửa các hoạt động ở Nga. Rất nhiều vấn đề phức tạp, khiến việc RBI phải rời đi, khó có thể xảy ra trước tháng 9 và đến nay, thời hạn mới là cuối năm 2023.
Nhưng nói chung, chưa có gì chắc chắn về kế hoạch rời đi của RBI. Bởi trước đó, hồi đầu tháng 8, ông Strobl từng cho biết rằng, ngân hàng của ông đang nhắm tới việc tách hoạt động kinh doanh tại Nga vào cuối năm 2023.
Nhưng trong một tuyên bố trước đây, ông này cũng đã từng chỉ ra khung thời gian vào tháng 9 để hoàn tất việc di chuyển…
Hiện ECB vẫn đang tiếp tục thúc ép RBI ngừng hoạt động kinh doanh đang thu về khoản lợi nhuận cao ở Nga. Và mặc dù ngân hàng Áo từ lâu đã cho biết họ đang tìm kiếm các giải pháp, nhưng họ vẫn phải trì hoãn kế hoạch rời khỏi Nga. Bởi lý do, “RBI còn có nghĩa vụ đối với 3 triệu khách hàng của mình ở Nga và không nên đánh giá thấp sự phức tạp của việc rời khỏi đất nước này”, CEO Strobl nói rõ.
RBI có khoảng 2.600 khách hàng doanh nghiệp, 4 triệu chủ tài khoản địa phương và khoảng 10.000 nhân viên ở Nga.
Trong khi đó, ở “phía đối tác Nga”, Moscow hy vọng Raiffeisen sẽ ở lại, vì ngân hàng này cho phép dịch vụ thanh toán quốc tế. Là ngân hàng cho vay lớn thứ hai của Áo, Raiffeisen đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của Nga và là một trong hai ngân hàng nước ngoài ít ỏi được ngân hàng trung ương Nga xếp vào loại “quan trọng về mặt hệ thống”.
Từng định vị là cầu nối giữa Đông và Tây, Áo đã biến Vienna thành một thỏi nam châm hút tiền của Nga. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngân hàng Áo đối với nền kinh tế Nga như thế nào, đặc biệt hiện nay – khi họ còn phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt sâu rộng từ phương Tây.
Bất chấp cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, Raiffeisen vẫn tiếp tục hoạt động ở Nga. Raiffeisen được coi là có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, cung cấp huyết mạch cho các khoản thanh toán bằng đồng Euro đến và đi từ nước này. Đây là một trong hai ngân hàng nước ngoài duy nhất trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng của ngân hàng trung ương Nga, ngân hàng còn lại là UniCredit của Italy.
Năm 2022, ngân hàng này đã tạo ra lợi nhuận ròng là 4,1 tỷ USD, trong đó riêng ở Nga là 2,2 tỷ USD. Người Nga cũng đã tin tưởng ủy thác hơn 22 tỷ USD cho ngân hàng này.
Hồi đầu năm, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg từng lên tiếng bảo vệ Raiffeisen trước chỉ trích về hoạt động kinh doanh tại Nga. Ông khẳng, định rằng mặc dù Vienna sẽ nới lỏng quan hệ với Moscow, nhưng điều này “không thể xảy ra trong một sớm một chiều”, thậm chí, ông này còn tuyên bố châu Âu “ảo tưởng” khi từ chối vai trò của kinh tế Nga.
Tuy nhiên, các quan chức Áo còn có lý do khác, khi cho rằng, ngân hàng này đang bị đối xử không công bằng. Người phát ngôn của Bộ Tài chính Áo từng cho hay, các ngân hàng EU khác cũng đang hoạt động ở Nga. Và “một ngân hàng thì không thể rời khỏi một đất nước như thế chỉ trong một đêm” – người phát ngôn Áo nói.