(Dân trí) – Chị Thủy kể: “Chúng tôi chuyển đổi sang lối sống mà nhiều người thời nay gọi là “cổ hủ”. Chúng tôi nấu ăn bằng bếp củi, giặt đồ bằng tay và nước tro, sử dụng nhà vệ sinh khô, dùng nước mưa…”.
Quyết định bất ngờ sau chuyện tình của cặp đôi Việt – Hà Lan
Sáng cuối tuần, chị Đặng Thị Thanh Thủy đem theo chiếc gùi tre và một vài chiếc hộp đã rửa sạch đi chợ mua thức ăn cho gia đình.
Bà mẹ hai con lên sẵn trong đầu danh sách những món ăn cần mua để không phải sử dụng túi nilon. Trở về nhà, trong gian bếp nhỏ giữa núi rừng Tây Nguyên, chị Thủy bắc bếp củi, nấu cơm và một vài món ăn cho chồng và 2 con.
Khoảng 3 năm nay, gia đình nhỏ của chị và người chồng quốc tịch Hà Lan – anh Jack – lựa chọn lối sống tối giản không tivi, bếp điện, không điều hòa, máy giặt, không nước máy, giảm bớt xả rác và các hành vi làm tổn thương môi trường…
Nhiều người cho rằng, họ là người “cổ hủ, lạc hậu”, “làm kìm hãm sự phát triển của xã hội”. Tuy nhiên, cặp đôi không bận tâm và tin vào mục tiêu lớn mà mình đang hướng tới.
Gia đình chị Thủy lựa chọn lối sống tối giản.
Chị Thanh Thủy (quê Hà Tĩnh) vốn là chuyên gia công tác xã hội của một tổ chức phi Chính phủ ở Hà Nội. Từng chuyển chỗ ở từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra Hà Nội sinh sống để làm việc, chị Thủy nghĩ mình sẽ gắn bó với công việc này mãi mãi.
Tuy nhiên, mọi dự định của chị thay đổi khi chị quen anh Jack. Anh Jack vốn là một kỹ sư có công việc ổn định với mức lương cao tại Hàn Quốc. Năm 2018, trong một lần đến Việt Nam du lịch, người đàn ông Hà Lan tình cờ quen chị Thủy và cặp đôi nhanh chóng cảm mến nhau. Ít lâu sau, họ về chung một nhà.
“Khi quen và yêu nhau, anh Jack luôn bày tỏ mong ước được nghỉ hưu sớm để có cơ hội tận hưởng cuộc sống khi mình còn khỏe. Vì thế, anh mong muốn gia đình tôi sẽ về một vùng quê nào đó sinh sống, làm nông nghiệp.
Dù sinh ra ở nông thôn nhưng chưa khi nào tôi nghĩ mình sẽ trở lại với nghề nông. Song nghe lời đề nghị của chồng, tôi thấy đó không phải là một ý tưởng tồi. Khi tôi đồng ý, anh đã lập tức nghỉ việc ở Hàn Quốc, cùng tôi về Đà Lạt – nơi tôi từng học tập và làm việc 14 năm”, chị Thủy nhớ lại.
Tin vợ chồng chị Thủy bỏ Thủ đô về một vùng rừng núi sinh sống khiến nhiều người thân, bạn bè bất ngờ và lo lắng. Tuy vậy, chị Thủy vẫn kiên định với lựa chọn của mình.
Thời gian đầu, họ thuê mảnh đất khoảng 1.500m2 ở Đà Lạt để làm trang trại và mở dịch vụ lưu trú.
Lần đầu tiên trong đời, anh Jack được cầm cuốc cuốc đất, bắt sâu hay học cách ủ phân từ rác hữu cơ. Cũng lần đầu trong đời, người đàn ông này được trải nghiệm cảm giác ăn rau củ quả do chính mình trồng ra.
Ngôi nhà tre của anh Jack và chị Thủy ở Đà Lạt.
Một thời gian sau, họ sang nhượng lại trang trại để mua đất dựng ngôi nhà của riêng mình. Trên mảnh đất ấy, anh Jack hiện thực hóa ước mơ về một ngôi nhà hình chiếc lá thường xuân làm từ 500 cây tre, 300 cây tầm vông. Hai vợ chồng chủ yếu chọn các nguyên liệu thân thiện với môi trường, các đồ dùng trong nhà cũng đa số tự làm bằng tre.
“Dẫu vậy, chúng tôi vẫn dùng quá nhiều tiện nghi như bếp từ, máy giặt, bình nước nóng, lò nướng, nồi cơm điện… Hàng ngày cuộc sống vẫn quá hiện đại và tiêu thụ nhiều điện năng. Ngôi nhà có khâu xây dựng và chọn nguyên liệu thân thiện với môi trường nhưng khi chúng tôi thực hành lối sống ở trong đó thì vẫn rất lệ thuộc vào tiện nghi”, chị Thủy cho hay.
Sống trong ngôi nhà này được một năm, anh chị nhận ra sâu sắc hơn bao giờ hết rằng “trái đất này đang quá tải vì cách đối xử của con người, con người khai thác tài nguyên một cách vô độ, tiêu thụ quá mức”.
“Tôi rất thích câu nói: “Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới”. Khi muốn mọi người hành động thì bản thân mình phải hành động trước. Vì vậy, chúng tôi quyết định rời bỏ ngôi nhà mình mất bao tâm huyết tự tay xây dựng để chuyển về huyện Eah’leo, Đắk Lắk”, người vợ Việt chia sẻ.
Người đàn ông Hà Lan say mê làm nông nghiệp.
Làm nông nghiệp thuận tự nhiên, sống tối giản, cân nhắc từng gói mỳ tôm
Để thực hiện mục tiêu tự cung tự cấp, giảm tối đa mức tiêu thụ năng lượng, vợ chồng chị Thủy mua mảnh đất rộng 10.000m2. Lần này họ không sử dụng nguyên liệu mới mà mua nhà gỗ cũ của người địa phương về để dựng nhà.
Cũng vẫn là bỏ phố về rừng nhưng cuộc sống ở Đắk Lắk của gia đình chị Thủy đã khác rất nhiều so với những ngày còn ở Đà Lạt.
Chị Thủy kể: “Chúng tôi chuyển đổi sang một lối sống mà nhiều người thời nay gọi là “cổ hủ” hay “thụt lùi”. Chúng tôi nấu ăn bằng bếp củi, giặt đồ bằng tay và nước tro, sử dụng nhà vệ sinh khô, hứng nước mưa để dùng…
Người dân địa phương phá nhà gỗ đi xây nhà gạch, gia đình chị Thủy đi mua lại về dựng nhà của mình.
Chị Thủy đánh giá nhu cầu của bản thân và các thành viên để xem những gì cắt giảm được mà vẫn sống hạnh phúc thì sẽ cắt giảm. Những gì cần thiết, gia đình chị vẫn sử dụng chứ không “chối bỏ tiện nghi” như nhiều người vẫn nghĩ.
“Bằng cách này, chúng tôi “kết nối nhiều hơn với các nhu cầu của bản thân và gia đình. Tôi nhận ra nhu cầu thì có rất ít, hầu hết những thứ ngày nay con người sở hữu hoặc muốn sở hữu đều chỉ là ham muốn.
Trong nhà tôi không có tivi, lò vi sóng… Thiết bị điện chỉ có bóng đèn thắp sáng, tủ lạnh và máy tính, điện thoại và các máy móc phục vụ cho việc xây dựng và làm vườn như máy khoan, cưa…
Tôi dùng tủ lạnh để hạn chế việc phải đi chợ trong điều kiện chưa thể tự cung tự cấp hoàn toàn. Máy tính thì hỗ trợ cho công việc của hai vợ chồng và việc học tập của các con”, bà mẹ hai con cho biết.
Chị Thủy cùng chồng tự trồng rau, nuôi gà, ưu tiên sử dụng thực phẩm bản địa, học cách nhận diện và sử dụng rau dại, thảo dược quanh vườn. Mỗi tuần, họ chỉ đi chợ một vài lần với danh sách đồ cần mua đã lên sẵn.
Chị chuẩn bị gùi, hộp đựng thực phẩm, để không phải dùng túi nilon. Với những tình huống phát sinh bắt buộc phải dùng tới túi đựng, chị sẽ đem về sau đó giặt sạch túi rồi cho những người bán hàng.
Gia đình chị thậm chí còn hạn chế ăn mỳ gói, bánh kẹo hay các sản phẩm đóng gói khác bởi không muốn sau mỗi bữa ăn lại xả rác khó phân hủy ra môi trường, bên cạnh các lý do về lợi ích sức khỏe.
Chị nói: “Tất cả những việc chúng tôi làm đều hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa mức tiêu thụ, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có mà thân thiện với môi trường để phục vụ cho cuộc sống của gia đình”.
Hai ba năm nay, vợ chồng chị Thủy gần như không mua quần áo mới. Họ chủ yếu dùng đồ cũ của bản thân hoặc của những người khác cho. Các con chị học hỏi bố mẹ, cũng rất hợp tác trong việc giảm mua, tăng tái chế.
Hai đứa trẻ không ngần ngại mặc lại đồ cũ. Tuy nhiên, chị cũng cân bằng các sở thích của con để các con không cảm thấy thiếu thốn hay căng thẳng.
Với mảnh đất rộng 10.000m2, vợ chồng chị Thủy có cơ hội thực hiện rất nhiều ý tưởng về nông nghiệp thuận tự nhiên mà trước đây chưa thực hiện được.
Họ theo đuổi phương pháp trồng vườn rừng, tôn trọng sự sắp xếp của tự nhiên, không cày xới đất, không dùng phân bón hay chế phẩm hóa học, không nhổ cỏ mà chỉ phát quang khi cỏ mọc quá cao che mất ánh sáng của cây khác…
Gia đình chị xây dựng một vòng tròn sinh thái nơi mọi thứ được tái sử dụng, không có nước thải, không có thức ăn thừa, không có cỏ rác… Với họ, tất cả mọi thứ đều là tài sản và đều có giá trị.
Lần khủng hoảng nước dùng và cuộc tấn công của bọ rừng
Lựa chọn cuộc sống khác với số đông và cách canh tác thuận tự nhiên, gia đình chị Thủy cũng gặp phải không ít khó khăn. Điều kiện thời tiết nóng và sự hạn chế về thể lực khiến họ không ít lần nhụt chí, đặc biệt với người chồng Hà Lan.
Tháng 5/2023, cả nhà họ gặp phải “cuộc khủng hoảng về nước”. Gia đình chị Thủy vốn tích trữ nước mưa để sử dụng. Lần ấy, khi cả nhà đưa người cô chồng từ Hà Lan sang Việt Nam đi du lịch, ở nhà cơn mưa đầu mùa đổ xuống.
Vì không kịp quét lá, bụi đất trên mái nên bao nhiêu lá cây, bụi bặm theo máng chảy vào các bồn nước. Toàn bộ nước trong bồn vì thế bị bẩn, không thể dùng để sinh hoạt.
Vì không biết khi nào mưa trở lại nên chị Thủy không dám xả hết nước để thau rửa. Họ buộc phải làm một hệ thống lọc từ đá dăm, cát và than để lọc nước dùng tạm.
Bọ rừng tràn vào nhà chị Thủy khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn.
Đang trong trạng thái mệt mỏi sau những ngày dài di chuyển và cú sốc về nước dùng, bước vào nhà, chị Thủy hoảng hốt khi thấy bọ đậu đen đậu kín trong nhà.
Họ tìm đủ mọi cách để đuổi bọ, từ quét đến hun lá bạch đàn, vỏ điều nhưng chúng vẫn không chịu rời đi. Cảm giác phải sống chung với hàng nghìn con bọ khiến cặp vợ chồng ngao ngán.
Họ buộc phải ở tạm trong một căn lều chờ đợi cả tháng nhưng lũ bọ vẫn không chịu rời đi. Sau cùng họ phải dùng tới thuốc muỗi sinh học nhưng lũ bọ cũng chỉ bay từ phòng ngủ sang khu vực phòng kho.
Mỗi lần như vậy anh Jack lại tự hỏi: “Tại sao bản thân mình phải tự làm khó mình như vậy?”. Nếu như ở thành phố, họ đã có một cuộc sống dễ dàng với một căn chung cư, một chiếc ô tô và những chuyến du lịch với vô số đồ ăn ngon.
“Khi ấy, chúng tôi lại ngồi nói chuyện cùng nhau. Và sau tất cả những phân tích, chúng tôi vẫn thấy lựa chọn hiện tại là đúng đắn nhất. Đặc biệt, khi nhìn thấy sự thay đổi nhận thức, hành động và ước mong về một môi trường sống trong lành của các con, chúng tôi lại không thể làm ngơ để sống thảnh thơi được”, chị Thủy chia sẻ về cách mà họ đã vượt qua những khó khăn.
Tại huyện Eah’leo, Đắk Lắk, có nhiều gia đình trẻ cũng lựa chọn bỏ phố về rừng để sinh sống. Chị Thủy vì thế nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người cùng chung chí hướng và thấy bản thân không hề đơn độc trên con đường mình đã chọn.
Mục tiêu tự cung tự cấp, sống cơ bản dựa vào vườn
Nhìn lại hành trình của mình, chị Thủy cho rằng, không nên lãng mạn hóa việc bỏ phố về rừng. Những ai đang có ý định lựa chọn cuộc sống bỏ phố về rừng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý.
Điều quan trọng nhất với mỗi gia đình là cần có sự đồng thuận, sự thấu hiểu của các thành viên. Ngoài ra, họ cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và một khoản tài chính nhất định.
Với Jack, anh chia sẻ rằng, bỏ phố về rừng với anh không chỉ đơn thuần là niềm yêu thích. Đó còn là lựa chọn mang tính lý trí. Khi thấy cây cối lớn lên, thấy cả một đời sống đang tồn tại trong mảnh vườn của mình, anh lại có động lực vượt qua những khó khăn và say mê làm vườn, trồng rừng tới mức quên tháng ngày.
Sống ở Đắk Lắk, gia đình chị Thủy đã có thể dựa vào chính mình nhiều hơn ở mức 80-90% mà không cần lệ thuộc vào bên ngoài.
Với mục tiêu tự cung tự cấp, hiện cặp đôi vợ Việt – chồng Hà Lan đã hoàn thành các khâu thiết kế và xây dựng hệ thống cơ bản như nhà cửa, điện nước, phân khu trồng cây, tưới tiêu, khu chăn nuôi… Họ kỳ vọng trong khoảng 3-5 năm có thể cơ bản sống dựa vào vườn.
“Chúng tôi sẽ bắt tay vào một số dự án tự cung năng lượng trong năm nay và năm sau như dự án tự tạo điện cho gia đình, bơm nước tự hành, thùng sấy thực phẩm bằng mặt trời.
Trong quá trình này, chúng tôi sẽ không ngừng chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm học hỏi được để lan tỏa và tạo động lực cho cộng đồng những người làm vườn rừng.
Hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người thực hành làm nông nghiệp thuận tự nhiên, dừng sử dụng phân và thuốc hóa học, tạo lập một hệ sinh thái đa dạng và lành mạnh”, người phụ nữ Việt bày tỏ về những dự định và mong muốn của gia đình.
Ảnh: NVCC