Công suất điện rác trong Quy hoạch điện VIII còn quá nhỏ
Tại tờ trình gửi Chính phủ đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất quy mô công suất điện sản xuất từ rác đến năm 2030 ở Bắc Bộ là 493 MW, Bắc Trung Bộ là 122 MW, Trung Trung Bộ là 60 MW, Nam Bộ 448 MW… Tổng công suất điện rác các vùng miền là 1.212 MW.
Công suất này, theo các chuyên gia về môi trường, là rất nhỏ bé so với nhu cầu và tiềm năng thực tế của các dự án đốt rác phát điện tại Việt Nam.
Ở Việt Nam hiện nay, hàng loạt tỉnh thành đang mời thầu, đấu thầu để phát triển điện rác như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Phú Thọ, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa,… Tuy nhiên, dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Công Thương trình Chính phủ cho thấy công suất điện của các dự án đốt rác phát điện rất thấp.
Thậm chí, có những địa phương như Cần Thơ chỉ được cho phép công suất điện rác là 15 MW, Trà Vinh là 10 MW, Đà Nẵng là 15 MW… trong khi vấn đề xử lý rác thải là câu chuyện rất nhức nhối.
Thực tế, xu thế xử lý rác Việt Nam đang lựa chọn là loại hình công nghệ đốt rác phát điện bởi các loại hình khác đều chưa hoặc không thành công và để lại hậu quả ô nhiễm môi trường trầm trọng. Có thể kể đến công nghệ chôn lấp đã bị người dân ở các địa phương phản đối rất mạnh nên không thể phát triển thêm các bãi chôn lấp rác thải. Việc đốt rác thông thường như trước đây, với công nghệ lạc hậu, cũng bị thất bại.
“Gần như 90-100% lò đốt không hoạt động được hoặc hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm khí thải, rác thải, khói, côn trùng, mùi. Công nghệ phân compost cũng không hiệu quả bởi đặc thù rác sinh hoạt của Việt Nam lẫn nhiều hóa chất như dầu gội đầu, sữa tắm hay các loại muối, thức ăn trong các thùng rác không phân loại, nên làm phân compost hay chôn cũng không đảm bảo. Điều này khiến công nghệ đốt rác phát điện được đánh giá là tối ưu nhất ở Việt Nam hiện nay”, một chuyên gia về môi trường nhận xét.
Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng đánh giá: Hiện nay, xử lý rác chỉ có vài công nghệ. Những năm vừa qua, nhiều địa phương đã đầu tư nhiều lò đốt công suất suất nhỏ.
Hiện cả nước có khoảng 300-400 lò như vậy với mức đầu tư khoảng 2-4 tỷ đồng/lò, thậm chí dưới 1 tỷ đồng/lò, do các nhà sản xuất Việt Nam làm. Những lò này không đạt tiêu chuẩn về khí thải, chất lượng kém, chỉ hoạt động được một thời gian là hỏng, có nhiều lò thậm chí lại biến thành nơi tập trung rác.
Đốt rác phát điện là xu thế cần khuyến khích
Về bản chất, các dự án đốt rác phát điện không phải là dự án phát điện thương mại thông thường, mà với mục tiêu xử lý môi trường (xử lý rác thải sinh hoạt) là chính. Trong đó, bên cạnh việc xử lý môi trường hiệu quả còn phát sinh thu hồi nhiệt để phát điện.
Việc xử lý rác thải sinh hoạt cho các tỉnh đang là vấn đề cấp bách, liên quan đến an sinh xã hội. Chính phủ và các bộ, ban ngành đều phải hỗ trợ các địa phương trong việc này để tránh ô nhiễm môi trường và giảm chi ngân sách cho việc xử lý rác.
Nhắc đến công nghệ đốt rác phát điện, chuyên gia Hoàng Dương Tùng cho rằng, đây là một giải pháp tốt với một số công nghệ, nhiều nước đã áp dụng từ lâu để giải quyết vấn đề chất thải rắn. Họ đặc biệt chú ý đến xử lý dioxin và furan. Với địa phương có khối lượng rác phát sinh khoảng vài trăm tấn một ngày là có thể xây dựng lò kiểu này.
Theo các chuyên gia, công nghệ đốt rác phát điện có nhiều ưu việt. Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác cho các địa phương, lại tận dụng được năng lượng từ đốt rác; đồng thời đạt hiệu quả bảo vệ môi trường. Bất cứ nước phát triển nào cũng sử dụng công nghệ đốt rác phát điện.
Theo tính toán, những địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa hay một số tỉnh thành khác, lượng rác thu gom đến năm 2030 lên tới 1.800 tấn/ngày đêm, tức mỗi một giờ là khoảng 75 tấn, tương đương lượng điện phát lên lưới khoảng 40MW.
Vì thế, tổng công suất của các nhà máy điện rác trên cả nước nhiều nhất cũng chỉ hơn 2.000 MW, không đáng kể so với điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời, cũng như các loại điện khác.
Vậy câu hỏi đặt ra: trong câu chuyện này, Bộ Công Thương có tính toán đầy đủ lợi ích cho các tỉnh, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh môi trường, an sinh xã hội không?
Lãnh đạo một sở công thương cho rằng: Việc ưu tiên cho điện rác chính là đang ưu tiên cho xử lý môi trường (xử lý rác thải sinh hoạt). Quan trọng hơn, nhà máy đặt ở trung tâm các tỉnh thành, gần nơi tiêu thụ điện, nên chi phí sản xuất và truyền tải thấp. Đặc biệt, nguồn thu từ điện giúp giảm chi phí, ngân sách cho các tỉnh thành trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.
Chính vì những lý do trên, điện rác cần được quan tâm, ưu tiên và bố trí công suất cho các địa phương, để các địa phương có cơ sở kêu gọi đầu tư. Với mỗi tỉnh thành có khối lượng rác phát sinh trên 1.000 tấn/ngày thì công suất cho điện rác cần từ 30-40 MW.
Nếu quy hoạch ít hơn, 2-3 năm nữa một loạt tỉnh thành triển khai xây dựng nhà máy điện rác sẽ phải đi xin nâng công suất làm mất thời gian, tốn kém chi phí, gây đình trệ hoạt động xử lý rác thải của địa phương, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.