Chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thông qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ rút ngắn khoảng cách đô thị và nông thôn, có sự phát triển hài hòa, người dân sẽ được thụ hưởng những chính sách ưu việt của chế độ.
Bộ trưởng cho biết không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác cũng có những chương trình tương tự được gọi là “chương trình hạnh phúc”.
Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giúp Việt Nam tiếp cận, hoàn thành chỉ tiêu thiên niên kỷ theo cam kết với Liên Hợp Quốc, tạo ra những miền quê đáng sống, để rồi mọi người dân đi xa ai cũng muốn về.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ở góc độ văn hóa, tốc độ đô thị hóa nhanh ở nông thôn khiến “hồn quê” Việt Nam bắt đầu bị đánh mất, cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre xanh không còn nữa và thay vào đó là bê tông hóa.
Ông cũng cho rằng, các địa phương đã kịp thời nhận ra điều đó, điều tiết lại nên hiện đã có những đường hoa xuất hiện cạnh đường bê tông, không còn lũy tre nhưng có hàng trúc, hàng cau tươi mát, dần dần “hồn quê” quay trở lại.
Bộ trưởng cũng nêu băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội khi cho rằng “tại sao phải xây dựng thiết chế văn hóa”. Theo quy định phải đảm bảo thiết chế cấp tỉnh, huyện, xã, thôn. Ở cấp tỉnh phải có trung tâm nghệ thuật, bảo tàng, thể thao nhưng qua báo cáo chỉ 80% số tỉnh có được thiết chế cơ bản này. Cấp huyện chỉ đạt 70%, cấp xã chỉ 60-70%, còn cấp thôn, bản chỉ 30-40% đạt chuẩn.
Bộ trưởng Hùng đặt vấn đề “nếu không có các thiết chế thì làm sao có nơi hình thành, bồi dưỡng, tạo dựng hoạt động văn hóa”. Ngoài ra đây cũng là nơi hội họp, sinh hoạt chính trị. Ông dẫn ví dụ ở Yên Bái – địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống thì những trung tâm này còn để tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh.
Từ đây ông đề nghị tiếp tục đầu tư cho tốt các thiết chế này. Bộ đã hướng dẫn về nghiệp vụ, còn cách vận hành, quản lý ra sao thì địa phương và đơn vị đó phụ trách.
Ông dẫn tiếp ví dụ về Bảo tàng Quảng Ninh – một bảo tàng thu hút rất đông du khách, khi đến Quảng Ninh thì mọi người nghĩ đến bảo tàng này, “bảo tàng nơi khác lại không làm được như vậy”, ông nói.
“Phải chăng là cách lựa chọn địa điểm, cách tiếp cận và không gian trưng bày và điều đó bây giờ trách ở ai? Tôi nghĩ rằng khi trách người, chúng ta phải trách mình”, Bộ trưởng bày tỏ.
Về đạo đức xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội nêu “phải chăng đạo đức xã hội đang xuống cấp”. Bộ trưởng VH-TT&DL cho biết một hình thái ý thức xã hội tập hợp các bộ quy tắc giúp con người hướng đến giá trị tốt đẹp nhất, đó là: sự trung thực, lòng nhân ái, công bằng và tôn trọng lẫn nhau. Những điều đi ngược lại với quan điểm này đều là phản văn hóa.
Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, luật trong đó bao hàm về xây dựng văn hóa, Bộ trưởng nhận định để phát huy tốt thì vấn đề chính là ý thức trong thực thi.
“Hãy lan tỏa một thông điệp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật và đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, giáo dục, tạo sự gắn bó giữa gia đình, nhà trường và xã hội”, Bộ trưởng gửi gắm.
Ông nhấn mạnh, nền tảng văn hóa hình thành một cách tự nguyện trong cộng đồng và đặc biệt trong từng cấp, từng ngành thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp.
Đau lòng khi xã đạt chuẩn, học sinh lại bỏ học
Với tư cách cơ quan chủ trì chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới 2021-2025, trước một số tồn tại hạn chế, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh do xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu. Cùng với đó sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, khi thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ còn nhiều việc phải làm để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương để cùng tháo gỡ.
Bộ trưởng cho biết, những kết quả đạt được có thể chậm, chưa đạt được mục tiêu nhưng cũng là cố gắng rất lớn của các địa phương khi nguồn lực hỗ trợ từ trung ương giảm gần một nửa. Tuy các địa phương nỗ lực rất nhiều nhưng trong thời điểm hiện nay đã bắt đầu “đuối”.
Bộ trưởng chia sẻ câu chuyện: “Cách đây một tuần anh em có chuyển cho tôi một clip về xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng…. Anh em rất đắn đo, đau lòng gửi cho tôi. Một xã sau khi đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới rồi những nguồn lực đều không còn”. Lên nông thôn mới, học sinh không còn được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa.
Từ đây Bộ trưởng cho biết nguyên nhân là cấu trúc của chương trình mục tiêu quốc gia còn lỏng lẻo, việc thực hiện chịu áp lực kép. Một bên là chính quyền mong muốn tất cả xã lên nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu của đại hội địa phương, nhưng một bên là nhiều xã không muốn đạt chuẩn nông thôn mới vì sẽ bị giới hạn nguồn lực và hỗ trợ.
“Cũng giống như tư duy giằng co giữa thoát nghèo và nghèo, nghĩa là thiết kế chính sách hình như chưa ổn. Chúng tôi nhận về phần mình trong thiết kế chính sách này”, Bộ trưởng nêu và cho rằng làm sao phải có những chính sách hỗ trợ tạo ra năng lực cụ thể cho địa phương, để địa phương phát huy hết năng lực của cộng đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giảm nghèo ‘không còn chính sách cho không’
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nêu, hỗ trợ hộ nghèo giờ đây “không còn chính sách cho không” mà đã chuyển sang hỗ trợ có điều kiện sản xuất, nhà ở, sinh kế và đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
‘Có những người thoát nghèo thì buồn nhưng trở lại hộ nghèo lại vui’
Trăn trở về chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, ĐBQH nêu có những người vươn lên thoát nghèo nhưng có những người cứ khó khăn mãi và chỉ mong được nghèo. Có những người thoát nghèo thì buồn nhưng trở lại hộ nghèo lại vui.
Làm sao để thu nhập người dân khu vực nông thôn mới tiệm cận với đô thị
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh quan điểm trong xây dựng nông thôn mới phải thực chất, gắn với việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, tiệm cận dần với khu vực đô thị.