Tôi bị nghẹt mũi, đau đầu hai tháng nay, chụp CT kết luận polyp mũi. Bệnh có tự hết không, điều trị như thế nào? (Quốc Khánh, TP HCM)
Trả lời:
Polyp mũi là khối u lành tính trong hốc mũi, chiếm khoảng 1-4% dân số và tỷ lệ tăng dần theo độ tuổi.
Polyp xuất phát từ tình trạng viêm thoái hóa của niêm mạc mũi xoang, thường xuất hiện ở các bệnh nhân viêm mũi dị ứng, nhiễm trùng cấp tính, mạn tính, xơ nang… Các bệnh này khiến tình trạng niêm mạc mũi xoang phù nề, viêm nhiễm, tổn thương kéo dài, dẫn đến thoái hóa và hình thành polyp. Khoảng 30% bệnh nhân có polyp mũi xét nghiệm dương tính với dị nguyên (phấn hoa, bụi, lông thú…).
Polyp có thể hình thành ở các cấu trúc của mũi xoang, phổ biến nhất là ở các khe mũi xoang đổ vào hốc mũi, cuốn mũi trên, giữa, dưới. Bệnh làm tăng tiết dịch và tắc nghẽn gây nghẹt mũi, đau nhức vùng mặt, giảm hoặc mất mùi. Triệu chứng gần giống như viêm mũi xoang hoặc cảm cúm nên khó nhận biết. Nhưng triệu chứng cảm cúm thường hết sau 1-2 tuần, trong khi các triệu chứng của polyp kéo dài.
Nội soi mũi thông thường có thể phát hiện polyp mũi. Tuy nhiên, nếu polyp mũi nằm sâu trong xoang, hoặc bác sĩ nghi ngờ khối polyp lớn, lan tỏa hai bên, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định mức độ, lên kế hoạch điều trị khi cần. Các phương pháp này còn giúp bác sĩ phân biệt với các tổn thương dạng u khác trong vùng mũi xoang.
Polyp mũi không tự biến mất nếu không điều trị. Polyp có thể phát triển kích thước theo thời gian và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bạn có triệu chứng nghẹt mũi, mất mùi kéo dài nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng và tuân thủ theo chỉnh định điều trị của bác sĩ. Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ polyp mũi và tình trạng sức khỏe. Người bệnh thường được điều trị nội khoa bằng thuốc, nếu không đáp ứng phải phẫu thuật.
Các loại thuốc như corticosteroid dạng xịt hoặc uống, thuốc chống dị ứng… hỗ trợ giảm triệu chứng mũi xoang và làm teo polyp có kích thước nhỏ. Những trường hợp polyp có kích thước lớn, polyp gây tắc nghẽn đường thở, viêm xoang, polyp một bên có thể che khuất các khối u lành tính hoặc ác tính thường phải phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt polyp mũi đơn thuần thường sử dụng máy bào mô microdebrider hoặc phổ biến nhất là phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi cắt polyp không những cắt bỏ polyp mà còn mở rộng các lỗ thông xoang bị viêm tắc.
Máy nội soi và dụng cụ nội soi cho phép bác sĩ phẫu thuật quan sát xoang bằng camera phóng to và thực hiện thao tác ở nơi khó tiếp cận. Sau phẫu thuật, người bệnh cải thiện lưu thông mũi xoang, không có sẹo ngoài da, được điều trị giảm viêm bằng thuốc xịt mũi, thuốc chống dị ứng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
Để phòng bệnh, bạn nên chú ý làm ẩm không khí trong nhà, quản lý bệnh dị ứng theo mùa, vệ sinh nhà cửa, tránh khói, bụi, lạnh, tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Đến bác sĩ Tai Mũi Họng kiểm tra mũi xoang định kỳ hàng năm để phòng ngừa polyp tái phát.
ThS.BSCKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |