Nông nghiệp là trụ cột
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh hiện có 424.754 ha, trong đó cây cao su và điều đứng đầu cả nước, cụ thể: Cây cao su diện tích là 244.925 ha (chiếm 26% diện tích cả nước); cây Điều có diện tích là 151.878 ha (chiếm 50,6% diện tích cả nước); cây cà phê diện tích 13.963 ha (chiếm 1,97% diện tích cả nước) và cây hồ tiêu diện tích là 13.607 ha (chiếm 10,7% diện tích cả nước).
Với thế mạnh đất nông nghiệp chiếm trên 64% diện tích cả tỉnh, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25% cơ cấu kinh tế, Bình Phước là tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp. Riêng lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã phát triển được các mô hình trồng dưa lưới, rau thủy canh… ở thành phố Đồng Xoài, các huyện Hớn Quản và Phú Riềng. Có được được kết quả trên là do sự ưu tiên, tạo điều kiện xây dựng, thành lập các doanh nghiệp có chức năng dẫn dắt, liên kết và làm đầu mối để xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đạt chuẩn.
Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng nhiều vùng, cây trồng được canh tác theo chuẩn VietGap, GlobalGap, nhiều sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí của các thị trường khó tính nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới-giá trị mới cho nông nghiệp.
Theo đó, đối với các loại cây công nghiệp có hiệu quả thấp hơn so với các cây trồng khác, cần đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng giảm bớt diện tích. Đối với cây cao su, hiện nay doanh thu 1 ha cao su khoảng 80-100 triệu đồng/ha, trong khi đó cây sầu riêng doanh thu từ 560-600 triệu đồng/ha, cây bưởi 300-450 triệu đồng/ha, rau sạch công nghệ cao tầm 700 triệu đồng/ ha.
Do đó, cần phải chuyển đổi một phần diện tích cao su, nhất là cao su già cỗi sang phát triển công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây ăn trái. Đối với cây điều, trước đây là cây giảm nghèo, có thể duy trì phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và chế biến sâu sản phẩm để phục vụ xuất khẩu, không mở rộng diện tích trồng điều.
Đối với cây ăn trái, tập trung mở rộng diện tích và thăm canh tăng năng suất đối với các cây có nhiều triển vọng như: sầu riêng, xoài, mít, bơ và các loại cây có múi; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cấp giấy chứng nhận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu, nhất là cây sầu riêng.
Đưa công nghệ vào sản xuất
Ngoài việc thay đổi nhận thức của người dân về cách canh tác đất nông nghiệp sao cho hiệu quả, trong những năm qua chủ trương của lãnh đạo tỉnh Bình Phước rất quan tâm và chú trọng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Xuân Thắng, trú ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, có 2hecta cây sầu riêng xen với bưởi xanh năm roi rất hiệu quả về kinh tế.
Theo anh Thắng, ngày trước gia đình có 5 hecta đất trồng điều nhưng do giá cả không ổn định nên anh dần chuyển khoảng 2hecta sang trồng sầu riêng và xen thêm một số cây ăn trái. Trong đó, nhiều nhất là cây bưởi xanh năm roi. Qua hơn 5 năm trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, đến nay, vườn cây sầu riêng của anh đang cho trái và năng suất trung bình 100kg/cây. “Sầu riêng gia đình tôi mới thu bói nhưng cũng đạt hiệu quả kinh tế cao, riêng cây bưởi đã giúp tôi trang trãi các khoản chi phí khác. Hiện tại, trung bình mỗi hecta sau khi trừ chi phí tôi thu về gần 80 triệu”. Anh Thắng vui mừng chia sẻ.
Theo anh Thắng, để có được nguồn thu ổn định ngoài những cố gắng tìm tòi học hỏi từ các nhà vườn đi trước thì việc ứng dụng các biện pháp khoa học tiên tiến như dùng hệ thống tưới thông minh, xịt thuốc tiết kiệm…đã giúp cho gia đình giảm rất nhiều chi phí mà hiệu quả mang lại cao. Trên đây, cũng là một trong rất nhiều hộ gia đình tại tỉnh Bình Phước có cách làm phụ hợp giúp tăng giá trị kinh tế từ việc sản xuất nông nghiệp. Trong đó, việc sớm áp dụng các kỹ thuật hiện đại từ công nghệ cao đã giúp cải thiện và phát huy được giá trị của đất nông nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, từ khi đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng từ 40-50 lần so với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đồng thời, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm năng và thế mạnh, phấn đấu có nhiều thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, định hướng của tỉnh là tập trung chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và một số tiêu chuẩn quốc tế khác. Đề cao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu để phát triển kinh tế được ổn định và bền vững hơn.