Sáng 29/10, Tổng cục Thống kê công bố Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng 0,08% (khu vực thành thị tăng 0,15%; khu vực nông thôn giữ ổn định).
Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương thực hiện tăng học phí, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số CPI tháng 10/2023 tăng nhẹ so với tháng trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 2 nhóm giảm giá.
Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,38%.
Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm giảm và từ tháng 7 theo xu hướng tăng dần trở lại.
Trong 10 tháng đầu năm, CPI tháng 1 tăng cao nhất 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tăng ở mức 2,06%, tháng 10 tăng 3,59%.
Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm. Nhưng sang tháng 10, giá xăng dầu đã tăng 7,22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10/2023 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 8,28% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,81%.
Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến 25/10, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.909,36 USD/ounce, giảm 2,11% so với tháng 9/2023 do xu hướng tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lập trường giữ lãi suất ở mức cao để kéo lạm phát về 2%.
Trong nước, tỷ giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.582 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 10/2023 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 1,56% so với tháng 12/2022; tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,24%.
Lạm phát cơ bản tháng 10/2023 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,2%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 10 tháng năm 2023 giảm 13,24% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,55% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Thành Lâm