Đây cũng chính là những gì quân đội Israel đã nói với người dân Gaza: hãy tiến về phía nam của vùng đất để đảm bảo an toàn cho chính họ. Ashqar cũng từng trải qua các cuộc chiến tranh trong quá khứ và biết thành phố Gaza có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhưng các cuộc không kích mạnh mẽ vẫn tiếp tục dọc theo tuyến đường đi của anh và gia đình. Ashqar lại di chuyển. “Không nơi nào cảm thấy an toàn”, người cha của 4 người con nói.
Trong những ngày gần đây, Israel cho biết đang tăng cường tấn công vào “các mục tiêu quân sự của Hamas trên Dải Gaza” trước khi tiến hành một cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch.
Một cuộc chiến trên bộ tiềm tàng sẽ càng khiến Gaza càng thêm nguy hiểm và người dân hầu như không còn nơi ẩn náu. Những thường dân Palestine như Ashqar đang từ bỏ hy vọng tìm được nơi trú ẩn nào đó để thoát khỏi cuộc chiến. “Không có nơi nào an toàn ở Gaza”, anh xót xa thừa nhận. Đó còn gồm cả những khu vực mà Israel từng cho rằng sẽ tránh được ảnh hưởng của các cuộc tấn công.
Vào ngày 13/10, Lực lượng Phòng vệ Israel đã thả truyền đơn xuống Gaza và gửi tin nhắn bằng tiếng Ả Rập yêu cầu hơn 1 triệu cư dân ở phía bắc và thành phố Gaza sơ tán “vì sự an toàn của chính bạn”.
“Những ai muốn cứu mạng mình, hãy đi về phía nam”, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với các phóng viên vào thời điểm đó. Một số người dân Gaza đã chú ý đến lời cảnh báo trong khi những người khác vẫn ở lại trong bối cảnh các nhóm nhân quyền quốc tế phản đối kịch liệt các yêu cầu của Israel.
Bộ Y tế Gaza cho biết, hơn 7.000 người dân Palestine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng nổ vào ngày 7/10. Tuần này, gần 2/3 số thương vong do các cuộc tấn công của Israel xảy ra ở phần phía nam của vùng đất này, Bộ Y tế Gaza cho biết hôm 25/10. Trong khi đó, quân đội Israel không có thông báo về vấn đề thường dân thiệt mạng ở miền trung và miền nam Gaza.
Một phụ nữ ở Deir el-Balah, miền trung Gaza, cho biết cô đã luyện tai nghe để theo dõi hoạt động của xe cứu thương từ bệnh viện gần đó. Sau một trận pháo kích, cô gọi cho những người có thể liên lạc để trao đổi thông tin và kiểm tra xem ai còn sống, ai không và ai mất tích. Ở Rafah, Bassam Naser, một nhân viên cứu trợ, cho biết đã “nghe thấy tiếng bom nổ 24/7”.
Anh cho biết bản thân may mắn khi đã dự trữ đủ nhiên liệu cho một chuyến đi quay trở lại phía bắc hoặc đến bệnh viện. Hôm 25/10, Israel không kích phá hủy tiệm bánh duy nhất còn lại ở trại tị nạn Maghazi ở trung tâm Gaza khiến 8 người thiệt mạng theo văn phòng báo chí của chính quyền ở Gaza. Quân đội Israel đã không trả lời yêu cầu bình luận về việc này.
Các nhà chức trách ở Gaza cho biết, từ hôm 23/10, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine đã quyên góp bột mì cho tiệm bánh này để giúp trợ giá chi phí bánh mì khi người dân Gaza phải vật lộn để tìm và mua những nhu yếu phẩm cơ bản.
“Họ không hề có liên kết nào với Hamas. Họ là những người Fatah”, Musheir El-Farra, một nhà hoạt động nhân quyền ở Gaza nói và cho biết thêm rằng, khu vực này chưa bao giờ bị ném bom .
“Vùng an toàn” không còn an toàn
Wael al-Dahdouh, Trưởng văn phòng đại diện của tờ báo Al Jazeera ở Dải Gaza, đã mất đi vợ, con trai, con gái và cháu trai sau khi trại tị nạn Nuseirat, nơi gia đình tạm lánh sau khi rời khỏi miền bắc, trúng không kích của Israel ngày 25/10.
Cảnh quay của Al Jazeera cho thấy ông al-Dahdouh bật khóc khi nhìn thấy thi thể các thành viên gia đình tại nhà xác bệnh viện al-Aqsa ở Deir al-Balah. “Những gì xảy ra rất rõ ràng. Đây là những đòn tấn công nhắm vào trẻ em, phụ nữ và dân thường. Thật đáng buồn, đây là khu an toàn mà quân đội Israel đã nhắc đến khi yêu cầu người dân sơ tán”, ông al-Dahdouh nói từ bệnh viện.
Thời điểm mới bùng nổ chiến sự, Ashqar cũng sơ tán khỏi nhà ở khu Tel al-Hawa của thành phố Gaza để đến nhà chị gái. Anh nghĩ đó là một khu vực tương đối an toàn. Nhưng không phải vậy. Vài ngày sau, anh đưa gia đình về phía nam và đã thử sống ở khu vực Khan Younis trong một căn hộ do Qatar xây dựng sau cuộc chiến năm 2014.
Nhưng nhà báo Ashqar cho biết, họ sơ tán sau 3 ngày khi Israel tấn công một khu vực lân cận. Lần di chuyển thứ ba của họ trở thành lần cuối cùng của vợ anh. Gia đình Ashqar đến một tòa nhà của gia đình anh tại trại tị nạn Nuseirat. Mười hai gia đình chen chúc vào tòa nhà.
Hôm 21/10, vợ anh, một công dân Hà Lan, đã mạo hiểm đến chợ trại Nuseirat gần đó, nơi đã hứng chịu một cuộc không kích trước đó. Cô mua sữa, trứng và rau – tất cả những thứ xa xỉ ở Gaza thời chiến. Tối hôm đó, khoảng 19h30, mặt đất bất ngờ rung chuyển, Ashqar cho biết, vợ anh cùng với ít nhất 5 người khác đã thiệt mạng.
Ashqar cho biết sữa, trứng và rau mà vợ anh vừa mua vẫn còn nguyên. Anh tìm thấy chúng trong nhà bếp phủ đầy bụi và tro.