Mới đây, một doanh nghiệp đã có câu hỏi gửi đến Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh với nội dung: “Công ty tôi là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, chuyên thi công các công trình vốn ngân sách Nhà nước. Theo quy định miễn giảm thuế theo nghị định 44/NĐ-CP ngày 30.6.2023, giá trị khối lượng xây lắp thực hiện trong giai đoạn từ ngày 1.7.2023 đến hết ngày 31.12.2023 phải xuất hoá đơn VAT là 8%.
Khi thực hiện hợp đồng xây lắp với chủ đầu tư, bên tôi xuất hoá đơn giá trị xây lắp với thuế xuất VAT là 8%. Trong phần khối lượng này, bên tôi có ký hợp đồng với đơn vị khác thực hiện việc cung cấp, lắp dựng khối lượng công việc nhôm kính (cửa khung nhôm kính). Vậy xin hỏi khi thanh toán khối lượng cho bên đơn vị cung cấp lắp đặt nhôm kính thì bên đó xuất hoá đơn VAT cho bên tôi là 8% hay 10%?”.
Hay một người nộp thuế khác cũng đã gửi câu hỏi tới Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh với nội dung hỏi: “Chúng tôi có kinh doanh khăn ướt thì thuế suất thuế giá trị gia tăng là 8% hay 10%?”.
Với những câu hỏi trên, cơ quan thuế sau đó đã có những giải đáp, hướng dẫn người nộp thuế căn cứ các quy định hiện hành, chính sách giảm thuế được Chính phủ đưa ra, đối chiếu với sản phẩm hàng hoá cụ thể của doanh nghiệp để thực hiện.
Trên đây chỉ là một số trường hợp cụ thể cho thấy, vẫn còn những vướng mắc trong thực tế thực thi chính sách giảm thuế VAT.
Mới đây, góp ý về việc giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024, sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, VCCI đã có ý kiến cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 được dự báo chỉ ở mức trên 5%.
Tình trạng khó khăn này được dự đoán sẽ tiếp tục trong giai đoạn đầu năm 2024 khi kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi và kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Do đó, việc nới lỏng chính sách tài khoá, thông qua việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng vào thời điểm này là hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm.
Biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng đã được thực hiện trong hai năm 2022 và 2023 và mang lại nhiều tác động tích cực đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là giúp tăng tiêu dùng nội địa trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hoá nào phải chịu thuế 10%, hàng hoá nào được giảm thuế xuống 8%.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP nhằm hướng dẫn việc thực hiện, nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hoá, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.
“Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu Phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hoá, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Nhiều doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định cho doanh nghiệp vì sợ sai.
Nhiều doanh nghiệp phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hoá đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hoá, thoả thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng” – phía VCCI cho biết.
Từ thực tế trên, VCCI có đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.