Mô hình gia đình khó gọi vốn nhưng vẫn chốt được đầu tư 7,5 tỷ từ bể cá mập
Tập 4 Shark Tank Việt Nam mùa 6 chào đón thương hiệu Cơm thố Bách Khoa đến gọi vốn với hai đại diện là nhà sáng lập Nguyễn Thiệp và đồng sáng lập Đỗ Mai.
Thương hiệu này ra đời từ năm 2014, chuyên phục vụ các sản phẩm cơm thố tới cộng đồng sinh viên, khối văn phòng và các hộ gia đình.
Sau 9 năm, Cơm thố Bách Khoa đã có 30 cửa hàng, trong đó có 14 cửa hàng tự sở hữu, 16 cửa hàng franchise và 11 cửa hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Để đạt được mục tiêu mở 100 cửa hàng trong năm 2024, Cơm thố Bách Khoa đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi các Shark đầu tư 5 tỷ đổi lấy 10% cổ phần.
“Bọn em có kế hoạch phát triển cho toàn lãnh thổ Việt Nam. Và trong miền Nam, cũng đang có một team nghiên cứu về văn hóa ăn uống của miền Nam và miền Trung”, Đỗ Mai chia sẻ thêm về định hướng phát triển của startup.
Nói về rào cản cạnh tranh với đối thủ, Nguyễn Thiệp cho biết Cơm thố Bách Khoa có công thức độc quyền và luôn có một đội ngũ nghiên cứu ra sản phẩm mới.
“Và khi mà họ copy theo mình, tư tưởng của họ chỉ là giống mình thôi, nhưng mà muốn kết quả mới thì không được bởi bọn em cũng luôn luôn học hỏi và tiến bộ lên hàng ngày”, nam sáng lập nói.
Chia sẻ sâu hơn về bức tranh tài chính, hai đại diện của Cơm thố Bách Khoa cho biết tổng tài sản của thương hiệu là 9 tỷ, vốn lưu động là 2 tỷ. Doanh thu của cả chuỗi vào năm 2022 là 40 tỷ, lợi nhuận thu về là 5 tỷ. Đặc biệt, 30 cửa hàng hiện có chưa có cửa hàng nào bị lỗ và dự kiến lợi nhuận năm 2023 sẽ đạt khoảng 15-20% tùy từng mặt bằng.
“Chưa có bảng cân đối kế toán, Chưa biết là tổng tài sản là bao nhiêu và tài sản đang tồn tại dưới dạng nào, bao nhiêu là vốn chủ, bao nhiêu là nợ”, Shark Hưng kết luận và từ chối đầu tư.
Shark Hùng Anh cũng từ chối đầu tư vì đánh giá startup không cần thiết phải thêm vốn.
Shark Louis cũng rời “bể” vì thấy kế hoạch chinh phục thị trường miền Trung, miền Nam của startup chưa thuyết phục. Tương tự, Shark Tuệ Lâm cũng từ chối thương vụ này.
Shark Bình cho biết: “Các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ từ chối các bạn. Chủ yếu là vì các bạn đang là mô hình gia đình. Đó là lý do vì sao mà các bạn sẽ rất khó gọi vốn”.
Thừa nhận thương hiệu phát triển từ mô hình gia đình, Đỗ Mai lý giải thêm về lý do đến Shark Tank gọi vốn: “Chính vì từ mô hình gia đình, bọn em nhận thấy có nhiều điều thiếu sót. Vì vậy chúng em lên đây ngoài việc gọi vốn thì bọn em mong muốn có sự đồng hành của các Shark để có thể củng cố lại nguồn lực cũng như quản trị, vận hành sao cho hợp lý”.
Đánh giá cao tinh thần mong muốn lột xác, muốn thay đổi của startup, Shark Bình đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 36% cổ phần kèm điều kiện mở được 100 cửa hàng, chia cổ tức cho nhà đầu tư và hoàn tất due diligence (thẩm định doanh nghiệp) trước khi phát sóng. Chủ tịch HĐQT NextTech cho biết ông có thể giúp startup quản trị minh bạch, rõ ràng; Chuyển đổi số, liên kết hệ thống phần mềm, báo cáo.
Sau khi hội ý, Nguyễn Thiệp bày tỏ mong muốn sau 1-2 năm sẽ mua lại từ 10-15% cổ phần bằng giá thị trường US (Mỹ).
Tuy nhiên Shark Bình không đồng ý với đề xuất này. Ông chỉ ra vấn đề rằng nếu số cổ phần sở hữu dưới 35% thì nhà đầu tư sẽ mất tiếng nói, khi đó startup sẽ lại quay trở lại mô hình gia đình.
Đỗ Mai tiếp tục đưa ra đề xuất mới với con số 10 tỷ cho 36% cổ phần, Shark Bình đưa ra một đề nghị khác. “Mỗi bên lùi một chút, là đầu tư 7,5 tỷ cho 36%, đi kèm một số điều kiện như sau. Thứ nhất, bạn phải mở được 100 cửa hàng như đã cam kết. Thứ hai, phải chia cổ tức cho nhà đầu tư hàng năm. Thứ ba là hoàn tất due dil và ký hợp đồng đầu tư trước khi chương trình được phát sóng”.
Cuối cùng, hai nhà sáng lập Cơm thố Bách Khoa đã đồng ý với đề nghị này, đánh dấu thêm một “cái bắt tay” giữa Shark Bình và startup trong lĩnh vực F&B.
Cặp du học sinh 16 tuổi gọi vốn được 300 triệu
Sự xuất hiện của L’arlesienne với đại diện là 2 du học sinh đang học cấp 3 tại Mỹ: Đinh Phúc Khang – Nhà sáng lập mới bước qua tuổi 18 và Nguyễn Ngọc Khánh Linh – Giám đốc mỹ thuật 16 tuổi gây thú vị cho bể “Cá mập”.
L’arlesienne là doanh nghiệp thời trang chuyên cung cấp những chiếc túi da thật có thiết kế độc đáo. Với bộ sưu tập đầu tiên, L’arlesienne đã bán được 95% sản phẩm sau 6 tháng mở bán, thu về hơn 500 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận đạt 28%.
L’arlesienne hiện bán hàng qua website, Facebook, Instagram của thương hiệu. Bên cạnh đó là bán trực tiếp thông qua cửa hàng của chị gái Phúc Khang.
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 6, L’arlesienne kêu gọi các Shark đầu tư 300 triệu đồng cho 15% cổ phần để sản xuất bộ sưu tập tiếp theo.
Băn khoăn về việc hai nhà sáng lập còn trẻ, chưa chắc có đầy đủ kinh nghiệm kinh doanh, Shark Louis đặt câu hỏi: “Tại sao chúng tôi phải đầu tư 2 bạn trẻ”?
Đáp lại, Phúc Khang thừa nhận mình chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về thiết kế hoặc quản lý kinh doanh nhưng có niềm đam mê với thời trang. “Các startup trẻ thường có rất nhiều idea rất là táo bạo, có thể nhìn được với nhiều mặt vấn đề khác nhau”, Phúc Khang thuyết phục.
Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về việc thành lập doanh nghiệp, Phúc Khang cho biết L’arlesienne chính thức đăng ký vào tháng 12/2022 và người đại diện pháp luật là mẹ của Phúc Khang. “Con cam kết với các Shark là các Shark đang đầu tư vào tụi con chứ không phải mẹ con ạ”, nam startup trẻ khẳng định.
Thiết kế mẫu con mèo dự tính đầu tư 1 tỷ đồng, tuy nhiên 400 sản phẩm bán ra sẽ thu về 2,4 tỷ đồng.
Theo chia sẻ, L’arlesienne sẽ được Phúc Khang và Khánh Linh tiếp tục điều hành sau khi đi học tại Mỹ với lịch trình: Từ đầu năm cho đến tháng 6 tập trung vào việc thiết kế. Đến thời điểm nghỉ hè vào tháng 6 là lúc sản xuất mẫu, sau đó khảo sát thị trường và mở bán vào dịp cuối năm.
“Hiện tại tụi con đã nghiên cứu mẫu con mèo này xong. Tổng chi phí con đang dự tính để có thể bắt đầu sản xuất bộ sự tập này sẽ rơi vào tầm 1 tỷ đồng”, Phúc Khang chia sẻ về bộ sưu tập mới. Bộ sưu tập này sẽ có 400 sản phẩm, doanh thu dự kiến đạt 2,4 tỷ đồng.
Mức giá bán lẻ 6 triệu đồng/chiếc khiến Shark Bình thắc mắc: “Có đối tượng nào sẵn sàng trả 6 triệu để mua cái túi”?
Phúc Khang chia sẻ hầu như khách hàng của bộ sưu tập đầu tiên có thu nhập ổn định từ 20 triệu đồng trở lên. Những khách hàng này thường không muốn phải tiêu quá nhiều tiền vào một chiếc túi hàng hiệu nhưng vẫn muốn sở hữu một thiết kế độc đáo, chất lượng. L’arlesienne có tiêu chuẩn về sản xuất và chất lượng. Lợi thế của thương hiệu này là hợp tác với xưởng sản xuất của người Ý đã có kinh nghiệm hoạt động hơn 20 năm trong ngành túi da.
Shark Tuệ Lâm cho rằng người có thu nhập cao ở Việt Nam mới sẵn sàng chi trả cho những chiếc túi có giá từ 5 triệu trở lên. Cô khuyên startup nên tìm đến những thị trường có thu nhập cao hơn và có khẩu vị tiêu dùng phù hợp hơn với sản phẩm. Còn cô sẽ không đầu tư.
Shark Hùng Anh và Shark Bình cũng không đầu tư vì đánh giá việc quan trọng nhất lúc này với hai nhà sáng lập trẻ là tập trung vào học. Từ chính kinh nghiệm khởi nghiệp từ năm 19 tuổi của mình, Shark Bình cho biết thêm rằng “Chúng ta chỉ có thể làm được tốt nhất khi ở cạnh khách hàng của mình”.
Shark Louis cũng từ chối đầu tư vào một công ty sản xuất không có ai điều hành vì nhà sáng lập còn đi học.
Trái lại, Shark Hưng lại ủng hộ Phúc Khang và Khánh Linh. “Tôi đang có vài chục doanh nghiệp mà tôi vẫn đi học bình thường mà, nếu chúng ta biết cách sắp xếp”, ông bày tỏ quan điểm.
Mong muốn truyền kiến thức về quản trị kinh doanh đến hai nhà sáng lập, Shark Hưng đề nghị đầu tư 300 triệu đồng đổi lấy 34% cổ phần của L’arlesienne.
Shark Hưng cho biết ông có thể tìm kiếm thêm nhà đầu tư cùng lĩnh vực với L’arlesienne mà đã có sẵn hệ thống phân phối, có cùng phân khúc và cùng tệp khách hàng. Tuy nhiên mục tiêu đầu tiên là hai nhà sáng lập phải đảm bảo việc học, không được quá xao nhãng. Việc khởi nghiệp có thể coi là một cuộc thực tập nhưng phải thật sự nghiêm túc để sau này có thể điều hành được doanh nghiệp nghìn tỷ.
Sau khi cân nhắc, Phúc Khang đàm phán với Shark Hưng mức đầu tư 300 triệu đổi lấy 25% cổ phần.
Shark Hưng tiếp tục đưa ra con số 30% cổ phần cho 300 triệu đồng đầu tư và L’arlesienne đồng ý, khép lại một thương vụ gọi vốn thành công của một startup trẻ tại Shark Tank Việt Nam mùa 6.
Định giá lên đến 4,5 triệu USD, nhưng chỉ gọi vốn chỉ 200 ngàn USD
Xuất hiện tại tập 4 Shark Tank Việt Nam mùa 6, Bùi Thị Hoàng Điệp – Đồng sáng lập eJoy kêu gọi các Shark đầu tư 100 ngàn USD cho 2,2% cổ phần, tương đương định giá doanh nghiệp 4,5 triệu USD (gần 100 tỷ đồng).
eJoy là công cụ học kiến thức và tiếng Anh qua hình thức xem phim, chơi game, thư giãn. Công cụ này tích hợp AI của Google, Microsoft, Amazon vào tất cả website video và website text để dịch thuật, tra cứu, giúp tiết kiệm thời gian cho người dùng thay vì phải mở từ điển tra cứu. AI không chỉ dịch nghĩa các thuật ngữ mà còn có thể tạo ra các quiz (câu đố) rồi lưu vào để người dùng ôn tập, ghi nhớ lại.
Thành lập từ năm 2019, đến nay eJoy ghi nhận có 1,5 triệu người dùng và 800 ngàn người dùng thường xuyên hàng tháng. Doanh thu trung bình mỗi tháng là 15 ngàn USD, đến từ mô hình subscription (thu phí thuê bao). Theo đó, khách hàng có thể trả phí theo tháng, theo quý hoặc cả năm với mức phí dao động từ 70 ngàn đồng/tháng đến 1,7 triệu đồng/năm. Dù đã có lãi nhưng eJoy đang dùng phần lãi thu được để tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm mới.
Với mong muốn phát triển công cụ eJoy trở thành một nền tảng giúp mọi người học tập trọn đời, Hoàng Điệp đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi Shark đầu tư.
Giải thích về mức định giá lên đến 4,5 triệu USD, Hoàng Điệp cho biết eJoy đã được 2 quỹ đầu tư với tổng số cổ phần nắm giữ là 8,9%. Ở vòng gọi vốn trước vào năm 2021, eJoy có 700 ngàn người dùng và đã được định giá 1,5 triệu USD.
Ngoài ra, startup cần mức vốn từ 100-200 ngàn USD để phát triển sản phẩm trở thành một hệ sinh thái nền tảng mà không muốn pha loãng mức cổ phần. Lý do thứ ba là lifetime value (giá trị lâu dài của khách hàng) trung bình của cả người dùng miễn phí và trả phí là 10 nghìn đồng/người.
Hoàng Điệp chia sẻ, chân dung khách hàng điển hình của eJoy là những người đang cần học trên những nền tảng như Coursera, Udemy hay rất rất nhiều nền tảng khác ở từng chuyên ngành. Trong đó, có hai nhóm khách hàng tiêu biểu là những bạn làm về công nghệ, cần phải học về AI, học về những công nghệ mới và những bác sĩ cần phải học các kiến thức y khoa bằng tiếng Anh.
Shark Louis cho biết ông đang đầu tư vào một hệ thống giáo dục khoảng 20 trường mầm non, trường quốc tế từ tiểu học đến trung học nên ông mong muốn tìm kiếm một công ty Edutech để phát triển chung với hệ thống này.
Muốn nhà đầu tư có tiếng nói với startup, Shark Louis đề nghị đầu tư 300 ngàn USD cho 36% cổ phần.
Còn lại Shark Tuệ Lâm đề nghị đầu tư 100 ngàn USD cho 5% cổ phần vào thời điểm eJoy đạt doanh thu 45 ngàn USD/tháng.
Hoàng Điệp thương lượng thêm với Shark Louis về mức đầu tư 200 ngàn USD cho 5% cổ phần. Đáp lại, Shark Louis cho biết ông không thay đổi quyết định của mình.
“Hiện tại, trong đợt gọi vốn này thì bọn em chưa muốn pha loãng đến mức như vậy”, Hoàng Điệp chia sẻ và quyết định từ chối đề nghị đầu tư của Shark.