Cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu bên trong cơ thể được còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Chúng ta có rất nhiều tĩnh mạch sâu chạy khắp cơ thể. Khi cục máu đông hình thành ở các tĩnh mạch này thì có thể gây ra một số triệu chứng bất thường, thậm chí là biến chứng nguy hiểm, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Thống kê của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cho thấy cứ 1.000 người thì có khoảng 1 người mắc huyết khối tĩnh mạch sâu. Cục máu đông sẽ khiến tĩnh mạch dễ bị tổn thương.
Tổn thương này dẫn đến viêm tĩnh mạch, khiến vùng da gần đó bị khô, nổi mẩn đỏ và ngứa. Tình trạng này gọi là hội chứng hậu huyết khối tĩnh mạch. Thậm chí, bệnh còn khiến da bị lở loét, làm tĩnh mạch bị tổn thương vĩnh viễn ngay cả khi đã xử lý cục máu đông.
Do đó, phát hiện sớm ngứa ở tay, chân có phải do huyết khối tĩnh mạch sâu hay không là rất quan trọng. Để xác định tình trạng này, vùng da bị ngứa thôi là chưa thể kết luận. Vì trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa da như dị ứng, vẩy nến hay côn trùng cắn.
Tuy nhiên, dấu hiệu cảnh báo huyết khối tĩnh mạch sâu là khi ngứa da kèm theo các triệu chứng như sưng tấy một phần hoặc toàn bộ chân hoặc cánh tay. Vị trí sưng phụ thuộc vào cục máu đông hình thành ở đâu. Đôi khi vết sưng sẽ nghiêm trọng, dùng ngón tay ấn vào thì để lại vết lõm trên da.
Ngoài ra, cục máu đông cũng sẽ gây ra cảm giác đau. Cơn đau này thường là âm ỉ, đặc biệt rõ khi vận động. Tay, chân bị ảnh hưởng có thể kèm theo chuột rút. Do tĩnh mạch bị cục máu đông cản trở lưu thông máu nên ngoài viêm sưng thì da sẽ bị đỏ và nóng.
Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng và sớm có phương pháp can thiệp kịp thời. Huyết khối tĩnh mạch sâu thường được điều trị bằng thuốc làm loãng máu hoặc phẫu thuật, theo Medical News Today.