Trong số các thiết bị công nghệ giới thiệu tại triển lãm, có 3 công nghệ đến từ hệ thống BVĐK Tâm Anh cùng Viện nghiên cứu Tâm Anh – TAMRI. Đây đều là những công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới đang ứng dụng ngay tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội và TP.HCM là robot phẫu thuật sọ não, thiết bị nuôi phôi thai và thiết bị dẫn đường thực tế ảo trong phẫu thuật thay khớp. Cả 3 công nghệ y tế này đều được hỗ trợ bởi ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và đã tạo ra những hiệu quả điều trị vượt bậc trong những năm qua.
Thăm gian hàng của Hệ thống BVĐK Tâm Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính quan tâm việc ứng dụng các công nghệ hiện đại này trong khám chữa bệnh, mang lại lợi ích cho người bệnh. Thủ tướng chỉ đạo Bệnh viện Tâm Anh phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để đầu tư phát triển công nghệ y tế để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế đến tham quan gian hàng triển lãm của Bệnh viện Tâm Anh, TTƯT-ThS-BS-CKII Chu Tấn Sĩ – Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đã giới thiệu về Robot mổ não Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam trong phẫu thuật các bệnh lý thần kinh – sọ não – cột sống.
Theo đó, trên thế giới hiện chỉ có 10 nước ứng dụng công nghệ Robot mổ não (đa số ở các nước phát triển). Tại Việt Nam, Hệ thống BVĐK Tâm Anh là đơn vị duy nhất đưa Robot mổ não Modus V Synaptive hiện đại này vào hoạt động. Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Tâm Anh đã phẫu thuật thành công cho khoảng 90 ca bệnh u não, u cột sống, đột quỵ xuất huyết não… nguy hiểm bằng Robot Modus V Synaptive.
Cũng tại VIIE 2023, trong diễn đàn Ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe: giới thiệu và kết nối tiềm năng đổi mới sáng tạo; GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) trình bày về chủ đề “Vai trò của Thông minh Nhân tạo (AI) trong y học cá nhân hóa loãng xương”. Bài báo cáo trình bày một số thành tựu nghiên cứu của GS Tuấn và các cộng sự về ứng dụng AI vào việc chẩn đoán và tiên lượng bệnh lý loãng xương.
GS Tuấn cho biết: “Chúng tôi phát triển một thuật toán dựa vào mô thức Thông minh Nhân tạo để tự động chẩn đoán gãy xương đốt sống, được gọi là mô hình ‘Shape-Based Algorithm’ (SBA). Khi so sánh với chẩn đoán của bác sĩ, phương pháp SBA đạt độ chính xác 92-98%. Do đó, phương pháp SBA có thể giúp bác sĩ và bệnh viện tầm soát gãy xương đốt sống ở quy mô lớn. Chúng tôi còn kiến tạo một phương pháp gọi là “xBMD”, dựa vào AI để tiên lượng mật độ xương từ phim X quang. Phương pháp xBMD có thể chẩn đoán loãng xương chính xác đến 95% so với chẩn đoán bằng phương pháp chuẩn vàng. Đây là một sáng chế rất có ích cho các bệnh viện chưa có DXA”.
Việc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 chú trọng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ mới trong y tế đã khẳng định sự quan tâm lớn của Chính phủ về lĩnh vực này, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đổi mới mạnh mẽ về công nghệ y khoa và hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.