Chạy đua “đón bão”
Hai tháng gần nhất, doanh số bán hàng của ASML sang Trung Quốc đã tăng mạnh khi các nhà sản xuất bán dẫn đại lục chạy đua mua thiết bị đúc chip trước khi Mỹ hoặc Hà Lan áp đặt thêm các biện pháp xuất khẩu mới.
Kết quả kinh doanh quý mới nhất của nhà sản xuất thiết bị đúc chip lớn nhất thế giới ghi nhận gần gấp đôi quý trước, đạt 2,44 tỷ USD bán hàng sang Trung Quốc, chiếm 46% tổng doanh thu cùng kỳ.
Trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, đại lục chiếm 24% tổng doanh thu ASML, xếp sau Đài Loan và Hàn Quốc.
“Các lô hàng chuyển đi trong quý này đều dựa trên đơn đặt hàng từ năm 2022 và thậm chí năm trước đó”, Giám đốc tài chính ASML Roger Dassen cho biết vào ngày 18/10, không quên nhấn mạnh các lô hàng tuân thủ đầy đủ quy định hiện hành.
Máy in thạch bản tiên tiến của ASML đang được sử dụng rộng rãi bởi các nhà sản xuất chip toàn cầu như Intel, Samsung và TSMC, cũng như SMIC và ChangXin Memory Technologies.
Đầu tuần này, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu thắt chặt các quy định kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị bán dẫn và chip trí thông minh nhân tạo (AI) để hạn chế tham vọng tự chủ bán dẫn của Trung Quốc. Các quy tắc cập nhật dự kiến sẽ có tác động tiêu cực đến các công ty sản xuất chip như Nvidia, ASML và TSMC.
Vào tháng 6/2023, Hà Lan áp đặt chính sách hạn chế ASML xuất khẩu một số loại hệ thống in thạch bản cực tím sâu (DUV) sang Trung Quốc. Kỹ thuật in thạch bản là một phần quan trọng của quá trình sản xuất chip, trong đó thiết kế chip được in trên tấm bán dẫn.
Máy DUV không phải là công cụ tiên tiến nhất của công ty nhưng chúng vẫn có thể giúp Bắc Kinh cải tiến công nghệ sản xuất bán dẫn. Điển hình nhất, SMIC vừa giúp Huawei khôi phục một phần công suất sản xuất chip di động 5G trên tiến trình 7 nanomet dựa trên kỹ thuật in thạch bản DUV.
Tương lai bất ổn
Các nhà phân tích và giám đốc điều hành trong ngành nhận định, các quy định mới nhất có thể ảnh hưởng đến việc vận chuyển máy in thạch bản 1980Di DUV của ASML sang Trung Quốc. Những máy thường được sử dụng rộng rãi để sản xuất chip 28 nm, phù hợp với nhiều loại bộ vi điều khiển, cảm biến hình ảnh, trình điều khiển màn hình… Các hệ thống in thạch bản DUV khác như 2000i và các công cụ tiên tiến hơn đã nằm trong phạm vi kiểm soát xuất khẩu của chính Hà Lan sang Trung Quốc, có hiệu lực vào tháng 9.
“Điều này chắc chắn sẽ tác động đến kế hoạch mở rộng chip 28nm trưởng thành của Trung Quốc và tạo ra nhiều bất ổn phía trước cho ngành bán dẫn nước này”, Donnie Teng, nhà phân tích của Nomura Securities, cho biết:
Dylan Patel, Giám đốc phân tích của công ty nghiên cứu bán dẫn Semianalysis, cho biết Mỹ đang áp dụng “quy tắc tối thiểu”, trong đó nêu rõ các công cụ có hàm lượng Mỹ và sở hữu một số khả năng nhất định, sẽ không được chuyển đến Trung Quốc nếu không có giấy phép. Patel cho biết điều này có nghĩa là các quy định có thể sẽ vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát của Hà Lan, do 1980Di có chứa các công nghệ Mỹ.
“Những hạn chế xung quanh 1980Di sẽ là một vấn đề quan trọng đối với ngành bán dẫn Trung Quốc vì nó là bắt buộc đối với tất cả các nút 28nm”, Patel cho biết.
Đáp lại, ASML tuyên bố họ “cần đánh giá cẩn thận mọi tác động tiềm ẩn” do độ rộng và phức tạp của các quy định mới. Dù vậy, công ty Hà Lan không cho rằng quy tắc cập nhật sẽ tác động đáng kể đến triển vọng tài chính trong năm 2023.
Cách thức Mỹ vá ‘lỗ hổng’ chính sách cấm vận bán dẫn Trung Quốc
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, nước này sẽ thực hiện các bước cần thiết ngăn chặn tình trạng các nhà sản xuất “lách luật” xuất khẩu bán dẫn sang Bắc Kinh.
TSMC tìm ra cách đứng ngoài cuộc chiến bán dẫn Mỹ – Trung
TSMC đang nộp đơn xin giấy phép có hiệu lực vĩnh viễn để vận chuyển thiết bị chip Mỹ đến cơ sở sản xuất của họ ở Nam Kinh, Trung Quốc.
‘Điểm nóng’ mới trên mặt trận công nghệ bán dẫn Mỹ – Trung
Một công nghệ bán dẫn miễn phí có sẵn được sử dụng rộng tại Trung Quốc, đang trở thành ‘điểm nóng’ tiếp theo trong cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.