Hội nghị Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia; Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai Chương trình hỗ trợ năm 2023, 2024 tổ chức tại Tiền Giang ngày 26/10 nhằm đánh giá lại kết quả và đặt ra những vướng mắc trong quá trình triển khai các tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm, đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới nâng cao chất lượng của Giải, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay cũng như đánh giá việc thực hiện Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022 để tiếp tục có chiến lược đầu tư hiệu quả hơn nữa.
Chất lượng tác phẩm là mục tiêu hướng đến
Dù đầu tư với mục tiêu tạo nguồn cho các giải thưởng hay xuất phát từ chất lượng nội dung tờ báo thì hiệu quả tin tức, phục vụ bạn đọc vẫn luôn là đích đến của một sản phẩm báo chí.
Bên lề Hội nghị, nhà báo Nguyễn Trọng Tấn – Phó Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang chia sẻ rằng, việc đầu tư tác phẩm báo chí chất lượng cao và hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao của Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ động viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà báo nỗ lực đầu tư những sản phẩm báo chí có chất lượng, mà còn giúp nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo.
Trong hơn 10 năm qua, Báo Ấp Bắc đã đoạt nhiều giải báo chí cấp Trung ương và khu vực, cụ thể: Đoạt 2 Giải Báo chí Quốc gia (trước đó Báo Ấp Bắc cũng đã đoạt 1 Giải Nhất Giải Báo chí Quốc gia ở thể loại ảnh báo chí); 1 Giải Báo chí viết về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); 2 Giải sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 1 Giải Báo chí toàn quốc viết về thông tin đối ngoại; 3 Giải Báo chí viết về ngành giao thông; 1 Giải Báo chí viết về Đồng bằng sông Cửu Long (giải Nhất) và một số tác phẩm vào chung khảo Giải Báo chí Quốc gia và các giải báo chí toàn quốc do các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức…
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, Phó Tổng biên tập Báo Ấp Bắc cho biết: Ban Biên tập Báo Ấp Bắc luôn xác định việc đầu tư tác phẩm báo chí chất lượng cao gắn với nâng cao chất lượng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm.
Từ đó, Báo Ấp Bắc đã đầu tư nâng cao chất lượng về hạ tầng công nghệ, khuyến khích đội ngũ phóng viên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào tác nghiệp báo chí, từ đó tác động trực tiếp đến các công tác báo chí, tạo ra được những tác phẩm báo chí có chất lượng hơn về mặt nội dung và hình thức.
Nhà báo Trọng Tấn cũng đặc biệt nhấn mạnh đến bài toán đầu tư về con người. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên luôn được Ban Biên tập Báo Ấp Bắc quan tâm và thực hiện thường xuyên.
Trong đó chú trọng bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, bồi dưỡng về lý luận chính trị… Đồng thời, để chủ động trong việc nâng cao chất lượng báo chí, Báo Ấp Bắc xác định việc đầu tư tác phẩm báo chí chất lượng cao là công việc thường xuyên không chỉ để tham gia các giải báo chí trong khu vực và toàn quốc, mà còn là giải pháp để nâng cao chất lượng nội dung nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút độc giả.
Đồng thời, xem việc đầu tư để có tác phẩm báo chí chất lượng cao là trách nhiệm của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, không chỉ nhằm nâng cao chất lượng nội dung thông tin tuyên truyền, mà còn nâng cao uy tín của Báo Ấp Bắc…
“Có thể khẳng định, trong những năm qua, thông qua việc tập trung đầu tư tác phẩm báo chí chất lượng cao đã góp phần tích cực làm cho nội dung, hình thức trình bày của báo in và báo điện tử Ấp Bắc có bước chuyển biến mạnh mẽ, nâng lên, phong phú, hấp dẫn hơn với nhiều tuyến bài chiều sâu, bám sát các vấn đề, sự kiện thời sự quan trọng của đất nước, của tỉnh, được bạn đọc quan tâm theo dõi, nhưng vẫn đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Tỉnh ủy ” – nhà báo Trọng Tấn khẳng định.
Giải thưởng gắn với phong trào thi đua…
Với Đài PT-TH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo nhà báo Huỳnh Thị Liên – Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT), trong 17 năm qua, Chi hội Nhà báo Đài PT và TH tỉnh BRVT luôn quan tâm, hưởng ứng Giải Báo chí Quốc gia với gần 100 tác phẩm tham dự giải. Từ những tác phẩm này, Đài PT và TH tỉnh BRVT cũng đã vinh dự đoạt nhiều giải thưởng ở cả 2 lĩnh vực báo hình và báo nói. Đây là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn nghe xem đài.
Để đạt được những thành công đó, nhà báo Huỳnh Liên cho rằng, trước hết đó là sự quan tâm chỉ đạo bài bản, sâu sát của lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, Chi hội Nhà báo Đài. Việc tham gia, đoạt giải tại Giải Báo chí Quốc gia cũng như các giải báo chí của các bộ, ngành Trung ương, các kỳ liên hoan phát thanh – truyền hình toàn quốc được đưa vào phương hướng, nhiệm vụ công tác hằng năm của cơ quan, để làm mục tiêu phấn đấu.
Các đợt phát động thi đua của cơ quan, mục tiêu này cũng được đặt ra và coi đó là một chỉ tiêu quan trọng trong phong trào thi đua để mỗi phòng chuyên môn, mỗi nhà báo phấn đấu thực hiện. Xây dựng kế hoạch tổ chức bài bản, phân công cụ thể cho từng phòng chuyên môn cũng được ban hành trước mỗi giải báo chí. Lãnh đạo các phòng chuyên môn trên cơ sở đó trực tiếp chỉ đạo, đồng hành với các tác giả, nhóm tác giả phát hiện, lựa chọn đề tài, triển khai thực hiện tác phẩm dự thi.
“Ngoài công tác tổ chức, chỉ đạo, thực tế cho thấy, để có một tác phẩm báo chí chất lượng tham dự giải thì năng lực chuyên môn của tác giả, nhóm tác giả – những nhà báo trực tiếp thực hiện tác phẩm là rất quan trọng. Việc chọn nhóm phóng viên giỏi nghề cùng tham gia thực hiện đề tài lớn, thể hiện tác phẩm dài kỳ để dự thi được xem là yếu tố then chốt. Những bài viết dài kỳ đoạt giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia vừa qua của Chi hội Nhà báo Đài PT-TH BRVT đều được giao cho một nhóm phóng viên có năng lực và từng đoạt giải trong các cuộc thi báo chí trước đó thực hiện”… – nhà báo Huỳnh Liên cho hay.
Trong vấn đề nghiệp vụ, Phó Giám đốc Đài PT-TH BRVT đánh giá cao những lớp đào tạo, bồi dưỡng mà thời gian qua, Hội NBVN, HNB tỉnh BRVT đã quan tâm tổ chức, trang bị kiến thức – kỹ năng cho đội ngũ phóng viên trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Hội NBVN đã mở lớp tập huấn, bồi dưỡng về kinh nghiệm chọn đề tài, điều kiện và cách thức sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao.
“Tôi cho rằng, việc tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn Phóng viên cách thức đầu tư sáng tạo tác phẩm báo chí dự thi là có ý nghĩa hết sức thiết thực. Bởi, để có một tác phẩm báo chí chất lượng cao đi tranh giải cần phải có sự nhạy bén trong việc phát hiện đề tài, sự đầu tư từ ý tưởng đến nội dung, hình thức thể hiện… Những yếu tố đó đòi hỏi nhà báo phải có kỹ năng, kinh nghiệm mới có thể làm được. Chúng ta thường nói nhà báo này, nhà báo kia có “duyên” với giải báo chí, thật ra đó chính là kỹ năng, là trình độ, là cả một quá trình đầu tư, sáng tạo của nhà báo” – nhà báo Huỳnh Liên khẳng định.
Nhấn mạnh về Giải Báo chí Quốc gia, giải thưởng báo chí uy tín, có sức hút bậc nhất hiện nay, nhà báo Huỳnh Liên đánh giá rằng, các cơ quan báo chí địa phương những năm qua đã có những bước tiến dài, phát triển nhanh chóng, đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện theo xu hướng báo chí hiện đại, đa phương tiện. Dù vậy, với điều kiện về nhân lực, và cơ chế đặc thù của cơ quan báo chí địa phương, thì giải thưởng Báo chí Quốc gia vẫn là sân chơi hấp dẫn nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức.
Vì vậy, nhà báo Huỳnh Liên mong rằng, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục quan tâm tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm với sự tham gia của những nhà báo uy tín; đại diện của những cơ quan báo chí và những tác giả từng đoạt giải cao. Những kinh nghiệm từ việc chọn, triển khai đề tài, cách thể hiện đặc trưng từng thể loại… được chia sẻ từ những người trực tiếp sáng tạo nên những tác phẩm chất lượng sẽ gợi mở nhiều điều cho đội ngũ phóng viên những kỹ năng và cả kỹ thuật cần cho một tác phẩm tham gia giải báo chí.
Sông Mây