Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu
Theo ông Huỳnh Long Thuỷ, Tổng Giám đốc VieON, cách đây 10 – 15 năm, việc xây dựng một website dịch vụ hay ứng dụng đơn giản chỉ là xây dựng sản phẩm và phát hành lên không gian mạng. Đơn vị phát hành sau đó chỉ cần quảng bá cơ bản về sản phẩm thì người dùng đã có thể dễ dàng biết đến để truy cập và sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ và Internet, các sản phẩm về công nghệ được phát triển và đưa lên không gian mạng ngày càng nhiều, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt đã dẫn tới tư duy về dữ liệu và sử dụng dữ liệu để quản trị vận hành và phát triển sản phẩm bắt đầu được chú ý đến và được quan tâm nhiều hơn.
“Để một ứng dụng hay sản phẩm đạt được thành công thì bắt buộc phải chú ý đến yếu tố kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm đó hoàn toàn dựa trên dữ liệu. Chính vì vậy, ứng dụng OTT Giải trí VieON ngay từ khi ra đời đã phải đặc biệt chú ý đến việc sử dụng dữ liệu trong việc quản trị vận hành”, ông Thủy cho biết.
Trong môi trường hoạt động kinh doanh, thông tin về dữ liệu của thị trường và ngành nghề kinh doanh rất quan trọng cho việc hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Việc xây dựng hệ thống thu thập thông tin thị trường là rất cần thiết.
Thông tin dữ liệu có thể là thăm dò, khảo sát thị trường, lắng nghe về dịch vụ sản phẩm của doanh nghiệp trên mạng xã hội, hoặc về các chiến lược quảng cáo, khuyến mại của các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Các thông tin này sẽ giúp cho việc ra quyết định điều hành đúng và cần thiết trong mọi thời điểm.
Ra quyết định dựa vào dữ liệu thay thế cho việc ra quyết định bằng cảm tính sẽ giúp cho doanh nghiệp an toàn hơn về mặt điều hành và giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về định hướng phát triển của công ty.
Cũng theo ông Thủy, dữ liệu trong mô hình dữ liệu lớn có dung lượng rất lớn (hàng trăm TB trở lên), tốc độ xử lý theo thời gian thực. Vì vậy, để xác định được dữ liệu có giá trị trong hàng triệu triệu dữ liệu là công việc cực kỳ quan trọng.
“Có thể hình dung mô hình xử lý dữ liệu tương tự việc tháo rời các mảnh lego và xếp vào 1 thùng lớn. Nhiệm vụ của công việc xử lý dữ liệu là sắp xếp, thống kê và mô hình hoá lại thành các vật như căn nhà, cái xe và nói lên được thông điệp cho doanh nhân nghe và hiểu được bên trong dữ liệu đang truyền tải điều gì.
Dữ liệu chỉ thật sự có giá trị với cách thức người ta đọc và sử dụng nó như thế nào. Người dùng có thể hiểu dữ liệu một cách dễ dàng hay không là do cách chúng ta trình bày dữ liệu như thế nào”, ông Thủy phân tích.
Đề cao tầm quan trọng của quản trị dữ liệu, ông Lưu Hoàng Phú, chuyên gia tư vấn về quản trị dữ liệu của FPT IS nhận định: Quản trị dữ liệu sẽ cho phép một tổ chức quản lý dữ liệu của mình dưới dạng tài sản; Theo dõi và hướng dẫn việc tuân thủ chính sách, sử dụng dữ liệu và các hoạt động quản lý…
Ông Phú phác thảo hành trình quản lý dữ liệu của doanh nghiệp như sau: Thiết kế mô hình dữ liệu, lưu trữ dữ liệu và bảo mật dữ liệu, đồng thời phát triển tích hợp và khả năng tương tác của các hệ thống dữ liệu; Giai đoạn khai thác dữ liệu cần phát triển về chất lượng dữ liệu, siêu dữ liệu, và kiến trúc dữ liệu. Khi dữ liệu đã được quản lý tốt thì thực hiện các phân tích nâng cao.
Ông Phú cũng đề xuất mô hình liên kết khuyến nghị áp dụng cho các doanh nghiệp/cơ quan/tổ chức tại Việt Nam. Trong mô hình liên kết đó, một tổ chức quản trị dữ liệu phối hợp với nhiều đơn vị để duy trì một cách nhất quán các định nghĩa và tiêu chuẩn trong tổ chức; giúp cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị kinh doanh an toàn và dễ dàng hơn; tập trung dữ liệu để khai thác các bài toán lớn hiệu quả hơn.
“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tính nhất quán của dữ liệu tại các hệ thống lớn do dữ liệu đến từ nhiều nguồn dữ liệu với các định nghĩa/phiên bản khác nhau, mô hình liên kết sẽ tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động bằng cách loại bỏ sự lãng phí và trùng lặp trong việc nhập, xử lý và lưu trữ dữ liệu”, ông Phú nhấn mạnh.
Cần chú trọng an toàn dữ liệu
Một trong những yếu tố tiên quyết trong việc triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu đó là bảo mật thông tin dữ liệu và sự tuân thủ các quy định về mặt Pháp luật Việt Nam về an toàn thông tin và dữ liệu.
Chính vì vậy, khi doanh nghiệp bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu lớn, cần đặc biệt chú ý về việc xây dựng các chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ, các điều khoản quy định dịch vụ với người sử dụng sản phẩm phải luôn tuân thủ các quy định trong Luật An ninh mạng, Nghị định số 53/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng…
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần triệt để tuân thủ Nghị định số 13/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
“Các công ty, doanh nghiệp trước đây đã ban hành các chính sách và triển khai các hoạt động quản lý quyền riêng tư theo quy định chung về bảo mật thông tin hoặc theo các quy định về quyền riêng tư khác sẽ vẫn không được xem là đã tuân thủ Nghị định số 13.
Các doanh nghiệp cần bắt đầu rà soát các chính sách nội bộ và thực tiễn quản lý quyền riêng tư của mình ngay lập tức để xác định các khoản chưa đồng bộ và thiếu nhất quán giữa các chính sách nội bộ và hoạt động triển khai của doanh nghiệp với yêu cầu của Nghị định số 13 để lên kế hoạch hành động tương ứng”, ông Thủy lưu ý.
Một số quy định chính cần tuân thủ gồm: xác định loại dữ liệu cá nhân được xử lý; xác định căn cứ pháp lý cho việc xử lý dữ liệu cá nhân; yêu cầu về thông báo xử lý dữ liệu cá nhân; thông báo về quyền riêng tư; thực hiện cơ chế để cá nhân có thể rút lại sự đồng ý; triển khai hệ thống xử lý yêu cầu của chủ thể dữ liệu; bảo vệ dữ liệu và thông báo/báo cáo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu…
Với góc nhìn của chuyên gia bảo mật, đại diện Viettel Security nêu rõ một số nguy cơ rủi ro về dữ liệu trong doanh nghiệp: nhân viên bất mãn (đứng trước thông báo sa thải hoặc sắp nghỉ việc, bị ngược đãi bởi cấp trên và muốn trả đũa) có thể gây ra những hành vi gây hại cho tổ chức.
Nhân viên cảm thấy họ có quyền sử dụng/tận dụng thông tin nhạy cảm; xung đột trong công việc với đồng nghiệp có thể gây ra những hành vi gây hại cho tổ chức; niềm tin tôn giáo, chính trị có thể thúc đẩy các hành vi gây hại.
Các tổ chức tội phạm hoặc cơ quan gián điệp có thể thuê nhân viên thực hiện hành vi nội gián; nhân viên có thể tìm kiếm một khoản tiền nhanh chóng để giải quyết các vấn đề tài chính…
Để phòng tránh rủi ro, ông Thái Trí Hùng, CTO Momo khuyến nghị các doanh nghiệp triển khai giải pháp bảo vệ dữ liệu bằng nhiều lớp. Cụ thể, lớp Công nghệ sẽ thiết kế dữ liệu nhiều vùng, mã hoá toàn bộ các vùng quan trọng, thực thi việc phân cấp phân quyền, hệ thống giám sát, chủ động ngăn chặn.
Lớp Chính sách sẽ hạn chế truy cập, quy định về việc sử dụng, đạo đức dữ liệu… Lớp Con người sẽ giáo dục nhận thức, giám sát bằng công cụ, ngăn chặn bằng công nghệ.
“Áp dụng dữ liệu vào hoạt động kinh doanh rõ ràng là điều nên làm, nhưng để đạt được những kết quả tích cực từ chiến lược dữ liệu thì cần nhận thức đầy đủ về các rủi ro có thể có, và luôn nghi ngờ về các kết luận ‘có ý nghĩa thống kê’”, ông Hùng khuyến cáo.
Hiền Minh