Sau một mùa thử nghiệm dè dặt, công nghệ VAR đã được VPF áp dụng rộng rãi hơn ở V-League 2023 – 2024. Tại vòng đấu mở màn, VAR đã được sử dụng ở 4 cặp đấu giữa các CLB Hải Phòng – HAGL, Thanh Hóa – Hà Tĩnh, Nam Định – Quảng Nam và Công an Hà Nội (CAHN) – Bình Định.
Thực tế, chất lượng và sự thuyết phục của VAR vẫn là chủ đề gây tranh cãi, như việc trọng tài cho CLB Hải Phòng được hưởng quả phạt đền dù các góc quay chậm không thể xác định rõ ràng liệu trung vệ Diakite của HAGL có chơi bóng bằng tay hay không.
Đây là điều dễ hiểu do “VAR phiên bản Việt Nam” chưa thể có chất lượng bằng tiêu chuẩn áp dụng ở các giải đấu hàng đầu châu Âu hay World Cup, EURO hoặc Asian Cup, khi điều kiện nước ta phải tạm hài lòng với số máy quay cho mỗi trận đấu ít hơn tiêu chuẩn FIFA nhiều.
Trước đó, lần đầu tiên VAR xuất hiện tại Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Úc tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đã có khoảng 15 – 16 máy quay được đặt khắp sân Mỹ Đình – chỉ bằng 1/2 so với con số 33 máy quay tại World Cup 2018, thua xa mức 42 máy quay tại World Cup 2022.
Nhưng con số này đã là rất xa xỉ vì theo lời một đạo diễn truyền hình ở miền Bắc thì: “Mỗi trận đấu ở V-League 2023 – 2024 đến lúc này BTC chỉ yêu cầu tối thiểu 8 máy quay. Nói rõ ra, đó là tận dụng 8 máy quay truyền hình trên sân để để dẫn hình vào phòng VAR”.
Do tận dụng tín hiệu truyền hình, nên vị trí đặt máy quay sẽ phải được cố định theo yêu cầu phát sóng của nhà đài, chất lượng tín hiệu sẽ không thể đáp ứng những tiêu chuẩn kiểu “14 máy ghi hình tốc độ chậm (slow-motion) và siêu chậm (super slow-motion) rải đều ở cả 4 cạnh sân để theo dõi trận đấu”.
Cũng vì bị hạn chế máy quay, góc quay và chất lượng hình ảnh nên những tranh cãi đã xuất hiện như trường hợp quả phạt đền ở trận đấu giữa CLB Hải Phòng – HAGL, khi góc quay bị cầu thủ che khuất mà không có góc nào khác, chất lượng hình ảnh không đủ sắc nét khi quay chậm.
Mặc dù vậy, xét tổng ra thì số lượng tình huống gây tranh cãi đã giảm hẳn từ khi VAR áp dụng rộng rãi hơn ở V-League, như lời HLV trưởng CLB TP.HCM Vũ Tiến Thành thì “chỉ áp dụng VAR ở miền Bắc là thiệt thòi cho bóng đá miền Nam”.
Mong mỏi đó sẽ sớm trở thành hiện thực khi 10 trọng tài VAR, 3 trợ lý trọng tài VAR và 10 kỹ thuật viên của lớp VAR thứ 2 do VPF kết hợp cùng Ban Trọng tài VFF tổ chức đào tạo đã hoàn thành bước đầu tiên, chuẩn bị đến giai đoạn thực hành dưới sự giám sát của chuyên gia FIFA.
Toàn bộ quá trình đào tạo tập trung (giai đoạn 2 và 3) dưới sự tham gia trực tiếp của chuyên gia FIFA sẽ được tổ chức xen kẽ vào giữa các quãng nghỉ của giải V-League, dự kiến sẽ hoàn thành trước khi 2 xe VAR do FIFA tài trợ về Việt Nam để hướng tới 100% trận đấu V-League sẽ áp dụng VAR.
Rõ ràng, việc áp dụng VAR đầy đủ ở V-League là nỗ lực rất lớn của VPF, đơn vị nắm bản quyền truyền hình là FPT Play cùng các nhà bảo trợ, để hướng tới mỗi cầu thủ chuyên nghiệp hiểu rõ cách VAR vận hành, từ đó tạo ra thói quen thi đấu theo đúng nét “văn hóa VAR”.
Điều này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho đội tuyển Việt Nam sau khi phải nhận rất nhiều thẻ phạt và những tình huống bị thổi phạt đền ở Asian Cup 2019, vòng loại World Cup 2022 và thậm chí là đá giao hữu… do giữ thói quen đá tiểu xảo kiểu truyền thống cho đến khi bị VAR “bắt giò”.
Nhìn xa hơn, việc định hình chơi bóng trong tầm ngắm của VAR ở V-League 2023 – 2024 hứa hẹn sẽ giúp các cầu thủ – nhất là những cầu thủ trẻ – học cách bỏ những tiểu xảo không tốt và tập trung chơi bóng, điều sẽ chỉ tốt cho sự phát triển của đội tuyển Việt Nam mà thôi, khởi đầu ngay từ vòng loại World Cup 2026 tới.