Bác sĩ Võ Thị Huỳnh Nga, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM), cho biết đậu mùa khỉ là loại vi rút hiếm gặp có họ hàng với đậu mùa, có thể lây truyền từ động vật qua dịch cơ thể bao gồm các giọt nước bọt hoặc đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết vết thương cũng như qua các vật dụng dùng chung như khăn trải giường và khăn tắm.
Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua một số quá trình từ rát đến nổi mẩn, rồi mụn nước và mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo.
Triệu chứng đầu tiên
Theo bác sĩ Huỳnh Nga, các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường xảy ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn xâm lấn và giai đoạn phát bệnh. Ở giai đoạn xâm lấn, triệu chứng gồm: Sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), sau đó đến đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng, ớn lạnh, mệt mỏi, uể oải…
Giai đoạn phát bệnh: Xuất hiện các nốt phát ban trên khắp gương mặt, lòng bàn tay chân, miệng, mắt, cơ quan sinh dục. Biểu hiện dưới dạng mụn nước sưng to rồi dần chuyển sang mụn mủ, sau đó khô lại đóng vảy.
Bệnh thường kéo dài bao lâu?
Bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 2-4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5-21 ngày sau khi nhiễm vi rút.
Một khi đã bị sốt, biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là nổi phát ban mẩn ngứa từ 1-3 ngày sau đó, thường bắt đầu nổi mụn mủ trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Số lượng mụn mủ nước có thể từ xuất hiện từ một vài nốt cho tới hàng nghìn nốt.
Những nốt mụn mủ này sẽ “chín” lên rồi vỡ ra. Ban đầu mụn nổi lên từ nốt phẳng nhỏ xíu rồi trở thành mụn nước (bên trong mụn chứa đầy dịch), rồi trở thành mụn mủ (bên trong nốt chứa đầy mủ) và cuối cùng đóng vảy trước khi biến mất.
Trẻ em có dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ?
Theo ghi nhận của WHO, trẻ em có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ nếu tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh. Số liệu từ các nước bị ảnh hưởng trước đây cho thấy trẻ nhỏ dễ bị bệnh nặng hơn so với trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ em chiếm tỷ lệ nhỏ trong số những người bị bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát dịch này.
Cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ?
Bác sĩ Nga cho biết, bệnh đậu mùa khỉ có thể được phòng ngừa tương đối dễ dàng thông qua các biện pháp như tự cách ly và vệ sinh. Người mắc đậu mùa khỉ thường sẽ tự khỏi sau khoảng 2 – 4 tuần.
Ngoài ra, người dân nên che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở hoặc nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM khuyến cáo người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.