Để giúp doanh nghiệp hưởng lợi trọn vẹn từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, VCCI đề nghị giảm cho tất cả hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống 8%.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý Bộ Tài chính về việc giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024.
Theo dự thảo, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) dự kiến áp dụng với một nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Một số nhóm hàng hoá, dịch vụ loại trừ, không được giảm VAT gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
VCCI đánh giá, việc kéo dài giảm 2% VAT sang nửa đầu 2024 là cần thiết, góp phần giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm. Hiện tình hình kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và tình trạng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm sau.
Tuy nhiên, ghi nhận của VCCI cũng cho thấy các doanh nghiệp đã gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách giảm thuế VAT. Nguyên nhân chủ yếu là từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng nào được giảm xuống 8%.
VCCI cho biết Chính phủ đã có các nghị định nhằm hướng dẫn thực hiện, thực tế, việc phân loại hàng hoá, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau còn nhiều lúng túng.
Một số doanh nghiệp phản ánh, dù tra cứu vẫn không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Có doanh nghiệp đi hỏi cơ quan thuế, hải quan nhưng chính các đơn vị này cũng không dám khẳng định cho doanh nghiệp vì sợ sai. Một số doanh nghiệp khác đã phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới.
“Có doanh nghiệp kể đã thỏa thuận xong với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng”, VCCI cho biết.
Do đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống 8%.
Trước đó, hôm 24/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị bổ sung ngân hàng vào nhóm được giảm 2% VAT nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư công nghệ chuyển đổi số.
Theo Hiệp hội này, hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện gặp khó khăn, nợ xấu và nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao. Kết quả hoạt động năm 2023 và năm 2024 của các tổ chức tín dụng dự báo sụt giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là tổ chức tín dụng quy mô nhỏ. Trong khi đó, các đơn vị này vẫn phải triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân.
Đức Minh