Quản lý tích cực, hiệu quả
Thông tin từ Sở TN&MT Long An cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt cơ bản đảm bảo, công tác quản lý hồ sơ địa chính đã đi vào nề nếp, các hoạt động đánh giá hiện trạng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai được đảm bảo hơn.
Bên cạnh, hồ sơ về đất đai của người dân được thực hiện theo thủ tục hành chính của cơ chế một cửa, một cửa liên thông bước đầu đáp ứng yêu cầu trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai hướng tới đảm bảo quản lý và sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời gắn kết công tác quy hoạch, kế hoạch với khai thác sử dụng đất, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, việc quản lý, sử dụng quỹ đất công trên địa bàn tỉnh Long An đã được chú trọng, đi vào nề nếp, đảm bảo việc sử dụng chặt chẽ, đúng mục đích, nâng cao hiệu quả khai thác từ nguồn quỹ đất công cho địa phương theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối được lập và điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình tiếp nhận đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt là phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gắn với việc vận dụng phù hợp các cơ chế chính sách về đất đai đã kéo giảm tình trạng khiếu kiện về đất đai, từng bước ổn định chỗ ở, tạo việc làm ổn định cho người có đất bị thu hồi. Đồng thời, việc tổ chức triển khai các quy định về công bố công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đồng bộ, đã góp phần giảm nghèo và giữ vững ổn định tình hình chính trị – xã hội tại địa phương.
Đến nay, công tác cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN) lần đầu trên địa bàn tỉnh Long An đạt trên 98%; hoàn thành cơ bản việc cấp GCN lần đầu đạt tỷ lệ 99,14%; công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tiếp cận đất đai của người dân, doanh nghiệp được đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, ngày càng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện, từ đó tạo được sự tin tưởng, hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Phát huy lợi thế đất đai
Những năm qua, tỉnh Long An đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực để phát triển địa phương ngày một giàu đẹp. Trong đó, các hoạt động kinh tế – xã hội đạt được những kết quả tích cực, với mức tăng trưởng ở mức cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Điều đáng ghị nhận nhất là với tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết nhiều cực đoan, thì người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đã khai thác tốt lợi thế đất đai, mạnh dạn việc chuyển đổi cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ổn định đời sống dân sinh.
Cụ thể như, Tân Thạnh là huyện thuần nông, trong đó cây lúa đóng vai trò chủ lực. Song, những năm qua, người trồng lúa nơi đây thường chịu cảnh “được mùa, mất giá” làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế. Tận dụng lợi thế của địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây hợp chất đất, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
Trong khi đó, được sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ của các ngành chức năng, nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười cũng như ở các huyện vùng biên giới của tỉnh Long An đã chuyển đổi hàng chục ngàn hec-ta đất sang trồng sầu riêng, mít, bưởi da xanh, chanh không hạt… thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Thực tế cho thấy, biết khai thác tốt lợi thế đất đai nên việc chuyển đổi cây trồng đã và đang mang lại tính hiệu quả khả quan, thu nhập và đời sống của người dân từng bước ổn định và ngày càng nâng lên rõ rệt.
Điển hình như gia đình ông Ngô Văn Bảy ở huyện Tân Thạnh. Sau khi nghiên cứu học hỏi kỹ thuật trồng, ông đã đầu tư nhiều nhà màng với gần 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả và trồng xen canh giữa các giai đoạn phát triển của dưa để có nguồn thu hoạch liên tiếp. Theo ước tính, sau khi thu hoạch, mỗi năm ông Bảy mang về lợi nhuận khoảng vài trăm triệu đồng trên diện tích 1.000m2.
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Quốc Thắng ở huyện Đức Huệ thì đã mạnh dạn đầu tư trồng 6ha cây chanh bông tím ngay trên vùng đất bị nhiễm phèn chua không phù hợp với cây lúa. Đến nay, cây chanh đang cho trái ổn định và năng suất cao, với giá chanh hiện tại, nếu trừ tất cả chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình Thắng cũng thu về lợi nhuận tiền tỷ.
Trao đổi về vấn đề quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, các ngành chức năng tỉnh Long An đã hỗ trợ nông dân phát triển mô hình cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa 3 vụ kém hiệu quả sang các mô hình luân canh lúa – màu, lúa – thủy sản, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Tình Long An cũng đã khuyến khích nông dân cải tạo diện tích đất vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, làng nghề hiệu quả hơn, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Út, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội, tỉnh Long An tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý của địa phương.
Song song đó, tăng cường rà soát, tổng hợp danh mục các dự án cần thu hồi đất và các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Đẩy mạnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; tập trung phát triển quỹ đất sạch tại các khu vực đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị nhằm tăng giá trị đất, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời thực hiện thủ tục hành chính đất đai đảm bảo thời gian quy định, nhằm đáp ứng các yêu cầu công tác quản lý nhà nước về đất đai, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Long An.