Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, ông nhận xét: “Có nhiều chủ trương, nhiều kỳ vọng rất lớn nhưng khả năng thực hiện chậm. Có đại biểu Quốc hội đã nói ‘con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm’. Trong các kết luận của Đảng vẫn hay nêu khâu tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu”.

Phát biểu của Chủ tịch nước cho thấy, cần khắc phục ngay tình trạng cán bộ không làm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và, hơn nữa, là khuyến khích, bảo vệ họ “dám nghĩ, dám làm” để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

W-v245-van-thuong.jpg

Chủ tịch nước phát biểu tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2023, kì họp thứ 6, Quốc hội khoá 15. Ảnh: Hoàng Hà

Quyết tâm của cả hệ thống

Chính phủ và Quốc hội cùng chia sẻ một điểm chung. Đó là phải chấn chỉnh tình trạng né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm ở “một bộ phận” cán bộ, công chức; cần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát.

Quyết tâm chấn chỉnh trạng thái làm việc “né tránh, sợ sai” đã trở nên dai dẳng là đòi hỏi rất bức thiết mà cả Quốc hội và Chính phủ cam kết mạnh mẽ.

Tình trạng này được đo bằng các chỉ số như sau: 61% doanh nghiệp cho biết “thời gian giải quyết thủ tục dài hơn quy định”, “phải trả chi phí không chính thức”, “xác định giá đất quá lâu”, “cán bộ giải quyết thủ tục không hướng dẫn đầy đủ”, “không đúng quy trình, thủ tục”, theo báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Nếu tình trạng cán bộ không làm đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền han chứ chưa cần “dám nghĩ, dám làm” sẽ gây khó cho nỗ lực chung phục hồi kinh tế của đất nước đầy cấp bách sau thời gian dài dịch bệnh.

Trước hết cần nhìn nhận nền kinh tế đang rất khó khăn, thậm chí khó khăn nhất trong nhiều năm nay. Các con số vĩ mô công bố tại kỳ họp này nói lên tất cả.

Nhiều ngành giảm tốc

Tăng trưởng tín dụng đến 11/10/2023 đạt 6,29% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ tăng 11,12%). Tổng phương tiện thanh toán tính đến thời điểm 20/9/2023, tăng 4,75%, mức tăng thấp bất thường, chỉ tương đương một nửa so với cùng kỳ các năm trước. Cung tiền thấp như vậy, đi ngược với chính sách tiền tệ nới lỏng sau 4 lần hạ lãi suất điều hành, cho thấy người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung đang khó khăn ở mức nào.

Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý (quý I tăng 13,9% đến quý III chỉ còn tăng 7,3%). Đầu tư tư nhân 9 tháng tăng 2,3%, chỉ bằng khoảng 1/6 mức tăng trước đại dịch. Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc khá mạnh (Chỉ số IIP của ngành Quý I giảm 2,9%, Quý II giảm 0,7%, 9 tháng tăng thấp 3,5%). Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.

Có đến hơn 135 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng, gần bằng cả năm 2022 (143,2 nghìn); số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ.

W-si234u-thi.jpg

Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý. Ảnh: Nhật Sinh

Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu; các thị trường xuất khẩu lớn giảm như Hoa Kỳ giảm 16,8%; ASEAN giảm 5,5%; Hàn Quốc giảm 5,1%; EU giảm 8,2%; Nhật Bản giảm 3%. Trong khi đó, xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm (13,9% so với cùng kỳ), cho thấy nhu cầu đầu vào cho sản xuất tiếp tục chậm lại.

Tăng trưởng gặp khó

Về tổng thể, tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng chỉ đạt 4,24%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2023 là thách thức lớn vì để đạt mục tiêu cả năm đạt 5% hoặc 6% thì GDP trong quý IV phải tăng tương ứng là 7,21% và 11,21%.

Để so sánh, Báo cáo tháng 10/2023 của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong khi tăng trưởng bình quân của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương được dự báo 5,0% trong năm 2023, nghĩa là tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn so với bình quân của khu vực.

Ở khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng của Việt Nam (4,7%) thấp hơn của Indonesia (5%), Philippines (5,6%), Campuchia (5,5%).

Trong nhiều năm nay, tốc độ tăng trưởng của chúng ta thường cao dẫn đầu khu vực, cũng như trên thế giới, nhưng nay đã chậm lại. Điều đó cho thấy, thấy người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang còn rất yếu và khó như thế nào.

Năng lực thực thi kém

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kích tài khóa và tiền tệ để kích thích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân các gói này vẫn rất chậm.

Đến cuối tháng 8/2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ tương đương khoảng 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội có tiến độ cho vay ra rất chậm chạp với số vốn giải ngân chỉ khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng và các nhà đầu tư bất động sản.

Theo một báo cáo của Bộ Tài chính, bốn gói an sinh ban hành trong và sau đại dịch với tổng kinh phí 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ 68,43 triệu lượt lao động và 1,41 triệu lượt chủ sử dụng lao động cũng được triển khai rất chậm chạp.

Gói 62.000 tỷ đồng năm 2020 dự kiến hỗ trợ 20 triệu người gặp khó khăn do Covid-19 nhưng chỉ đạt một nửa kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân tiền mặt trực tiếp hơn 13.200 tỷ đồng, đạt 22%.

Gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch ban hành giữa năm 2021 gồm 12 nhóm chính sách hỗ trợ, song một số chính sách đạt tỷ lệ giải ngân chỉ 0,38-3,5%.

Gói 6.600 tỷ đồng được bố trí từ nguồn tăng thu giảm chi ban hành đầu năm 2022, dự kiến hỗ trợ tiền nhà cho 3,4 triệu lao động đang thuê trọ lẫn quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sau đó xin hoàn lại ngân sách 2.900 tỷ đồng.

Chỉ duy nhất có gói 38.000 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giải ngân vượt dự kiến (chi hơn 41.000 tỷ).

Như vậy có thể thấy, nhiều chính sách và thực thi chính sách đã không được như ý mà xuất phát chủ yếu từ năng lực, bản lĩnh của khu vực công.

Tạo đột phá cho phát triển

Đầu tư công hiện nay đang được coi là trụ cột cho tăng trưởng trong bối cảnh các đầu tầu khác đang mất dần động lực. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Đây là điểm rất đáng khích lệ.

Khu vực công luôn đóng vai trò “kiến tạo” cho phát triển; cứ khi nào có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, như lịch sử từ Đổi mới ghi nhận, thì kinh tế phát triển bứt phá, ngoạn mục và ngược lại.

Cuộc chiến chống tham nhũng chỉ có tiến, không có lùi vì “tham nhũng” được xác định là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Nhưng rõ ràng, khuyến khích, bảo vệ tinh thần “dám nghĩ, dám làm” trong cán bộ, công chức cũng vô cùng cấp bách hiện nay trong bối cảnh kinh tế tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; “khó khăn, thách thức nhiều hơn là thời cơ và thuận lợi”.

Hy vọng rằng, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ phát huy trên thực tế. Đó là phần của cơ quan hành pháp.

Nhưng ở góc độ rộng hơn, tinh thần này cũng cần thiết ở cơ quan lập pháp và cả hệ thống Nhà nước nói chung.

Xin trích dẫn câu nói của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rất đáng suy nghĩ: “Cán bộ làm sai thì bị xử rất nặng; cán bộ nói sai đường lối, chủ trương, nghị quyết cũng từng bước xem xét xử lý kỷ luật nhưng cán bộ ban hành nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một luật khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì chưa ai bị làm sao hết”.

Tư Giang

Vietnamnet.vn