Hành trình đến với di sản thế giới của Tràng An khởi duyên từ đầu thập niên 1990. Khi đó Khu di tích vua Đinh – vua Lê, một bộ phận tổ thành của quần thể danh thắng Tràng An hôm nay, cùng với bốn di sản văn hóa khác của Việt Nam được lập hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Nhưng chỉ một mình Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh vào năm 1993. Có lẽ lúc đó bộ hồ sơ di sản của cố đô Hoa Lư ngàn năm tuổi đã quá ưu ái cho những sử tích của các triều đại phong kiến Việt Nam đầu thời quân chủ, mà lãng quên phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng mà tạo hóa đã “vẽ vời” ở Tràng An, cùng những giá trị cảnh quan – sinh thái đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho chốn “non Bồng, nước Nhược” nơi hạ giới này.
Hơn 20 năm sau, hồ sơ về miền đất sơn thủy hữu tình này lại xuất hiện trong các phiên họp của Ủy ban di sản thế giới thuộc UNESCO với 3 tiêu chí nổi bật: có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và tầm quan trọng thẩm mỹ mang giá trị toàn cầu về cảnh quan; nơi ghi nhận những giai đoạn phát triển quan trọng của lịch sử trái đất thông qua quá trình thay đổi địa chất và địa mạo; và là một ví dụ tiêu biểu về quá trình định cư truyền thống của con người đại diện cho nhiều nền văn hóa trong diễn trình lịch sử trải mấy ngàn năm.