Ngày 25/10, Hội thảo “Vai trò xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Công ty Cổ phần FiinRatings (FiinRatings) và S&P Global Ratings đã diễn ra tại Tp.Hà Nội.
Hội thảo cung cấp những góc nhìn khác nhau từ các chuyên gia trong nước và quốc tế là đại diện của các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, đơn vị bảo lãnh…
Công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động tài chính diễn ra minh bạch
Phát biểu tại hội thảo, TS.Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.
Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao sẽ giúp ngân hàng có nhiều lợi thế như: Huy động vốn, hoạt động nghiệp vụ, cho vay, hay vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế.
Còn đối với các doanh nghiệp, nếu xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhanh chóng với ưu đãi, cũng như giao dịch với đối tác trong và ngoài nước được ưu đãi về giá cả, dịch vụ.
Ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, các thành viên trên thị trường cần chung tay với nhau để có những bước đi trước kể cả khi chưa có quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm. Hiện nay Việt Nam còn thiếu điều kiện để cho người dân đầu tư dài hạn, tiền của dân cư chủ yếu chảy về ngân hàng với gần 7 triệu tỷ đồng tiền gửi.
Các công ty bảo hiểm cũng chủ yếu gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ, với lãi suất rất thấp không thể đảm bảo tối đa hoá lợi nhuận cho khách hàng. Ông Thuân cho rằng xếp hạng tín nhiệm sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư có thêm cơ sở để đa dạng hoạt động đầu tư từ đó đa dạng nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Theo ông Thuân, xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần”, nhưng để thị trường phát triển thì phải có niềm tin. Doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ minh bạch để không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Đây là điều cần sự nỗ lực của nhiều bên, không chỉ từ các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,…mà còn của doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư…
Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn xếp hạng tín nhiệm không chỉ là cũng cấp thông tin mà chúng tôi mong muốn thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm để có thể hình thành đường cong lãi suất.
Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng xếp hạng tín nhiệm còn thấp
TS.Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ rõ, xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có quy định cụ thể bắt buộc như kiểm toán độc lập.
Thêm vào đó, mới chỉ có 3 tổ chức về xếp hạng tín nhiệm là FiinRatings, VIS Rating và Saigon Ratings với hoạt động còn hạn chế. Ngoài ra, tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng xếp hạng tín nhiệm còn thấp. Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, coi xếp hạng tín nhiệm như nhu cầu cần thiết.
Theo ông, trên thế giới dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã được phát triển nhiều thập kỷ qua. Trong khi tại Việt Nam, kể từ khi Nghị định 88/2014/NĐ-CP được ban hành quy định về việc cấp phép và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thì thị trường xếp hạng tín nhiệm chính thức tại Việt Nam mới được hình thành.
Đồng quan điểm với ông Hùng, bà Lương Thúy Ngân, Giám đốc khối Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp VCBS chia sẻ, độ phủ xếp hạng tín nhiệm hiện nay chưa lớn gây khó khăn khi thực hiện tư vấn. Khách hàng khi tìm đến thường thắc mắc về vấn đề xếp hạng độ tín nhiệm, nhiều người không hiểu kết quả xếp hạng như vậy là tốt hay xấu, làm thế nào để so sánh giữa các kết qủa với nhau.
Đồng thời, đối với việc bảo lãnh thanh toán, việc doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm thế nào là bộ lọc đầu tiên để xem xét có tiến hành bảo lãnh thanh toán hay không.
Đặc biệt, hiện nay, khi hình thức huy động vốn qua kênh trái phiếu đang diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo rất khó để có thể huy động vốn bởi không có kênh nào để khách hàng có thể chắc chắn đầu tư vào.
Bà Ngân cho rằng, cần có xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp này. Số liệu khách quan độc lập của các bên xếp hạng tín nhiệm sẽ là một kênh để các nhà đầu tư có thể tin vào thay vì chỉ hoàn toàn tin tưởng, phụ thuộc vào tổ chức phát hành và tư vấn.
Theo số liệu tổng hợp của FiinRatings, quy mô trái phiếu doanh nghiệp/GDP của Việt Nam hiện nay là 14%, xếp thứ 4 trên thị trường Đông Nam Á, sau các nước Malaysia (57%), Singapore (37%) và Thái Lan (14%).
Đáng nói, tại khu vực châu Á, việc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được liệt vào hàng “sinh sau đẻ muộn” khi đơn vị đầu tiên được thành lập vào năm 2017. Trong khi các nước khác trong khu vực đã xuất hiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm từ những năm 90.
Thu Hương