Ngày 24/10, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Toạ đàm “Các xu hướng liên kết kinh tế mới và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam”. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tham dự và phát biểu tại Tọa đàm.
Toàn cảnh Toạ đàm “Các xu hướng liên kết kinh tế mới và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam”, ngày 24/10. (Ảnh: Hoa Việt) |
Toạ đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động trao đổi chính sách định kỳ của Bộ Ngoại giao với các cơ quan liên quan nhằm triển khai tích cực, hiệu quả Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, cũng như nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tham dự có các chuyên gia kinh tế: TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC); TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); TS. Trần Thị Mai Thành, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS TS. Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các đại diện đến từ các Bộ, Viện nghiên cứu, trường đại học…
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Hoa Việt) |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đánh giá tình hình thế giới và các xu thế liên kết kinh tế đang có những biến chuyển nhanh chóng, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Thời gian qua chúng ta đã nắm bắt kịp thời các xu thế và triển khai hiệu quả chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi để hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiếp tục kịp thời nắm bắt xu thế để Việt Nam để thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Thứ trưởng mong muốn thông qua Tọa đàm, các diễn giả, chuyên gia sẽ cùng thảo luận, đánh giá để nhận diện các xu hướng liên kết kinh tế mới, các tác động tới môi trường hội nhập của Việt Nam và đưa ra các kiến nghị chính sách cho tiến trình hội nhập giai đoạn tới.
T.S. Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ tại Toạ đàm. (Ảnh: Hoa Việt) |
Tại Toạ đàm, TS. Võ Trí Thành nêu bật các thách thức về an ninh, căng thẳng địa chính trị, điều chỉnh chính sách của các nước lớn… và cho rằng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, sạch, công nghệ, kinh tế số vẫn là các xu thế lớn hiện nay, trở thành mẫu số chung của các nước; khẳng định “chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và điều chỉnh chuỗi cung ứng là 3 nhân tố quan trọng định hình các liên kết kinh tế hiện nay”.
TS. Hoàng Thế Anh đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương trong các liên kết kinh tế, nhất là về khoa học – công nghệ, và cho rằng trong tiến trình hội nhập việc cân bằng các yếu tố cũ với các nhân tố mới, trong đó lợi ích kinh tế và chiến lược gắn với các nguyên tắc quản trị, minh bạch, công bằng và toàn diện là rất quan trọng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam hội nhập ở mức cao, nhất là thiết lập quan hệ kinh tế với các đối tác ở trình độ phát triển cao nhất; đồng thời cho rằng để hội nhập hiệu quả Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy và có các kế hoạch hành động cụ thể nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt các thời cơ và lợi ích khi tham gia các liên kết hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICC) chia sẻ tại Toạ đàm. (Ảnh: Việt Hoa) |
TS. Trần Thị Mai Thành cũng chỉ ra những điểm nghẽn, hạn chế của cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam trong hợp tác thương mại với các đối tác; và đề xuất đa dạng hoá đối tác thương mại, cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị, tăng cường thuận lợi hoá thương mại nhằm tăng sức chống chịu và khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Trao đổi tại Toạ đàm, PGS TS. Bùi Quang Tuấn đánh giá về xu thế gia tăng các nhân tố địa chính trị trong hợp tác kinh tế quốc tế, cho rằng phát triển bền vững, vấn đề con người và biến đổi khí hậu là xu thế xuyên suốt, đòi hỏi nỗ lực chung toàn cầu. Trong bối cảnh mới, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam đều lớn, trong đó cơ hội lớn nhất đối với giai đoạn hội nhập tiếp theo của Việt Nam chính là kinh tế số, là lĩnh vực ta cần tận dụng kịp thời để vươn lên phát triển. Chia sẻ các nhận định chung, PGS TS. Tạ Văn Lợi nhấn mạnh cần nhận thức rõ các mục tiêu, ưu tiên trong chính sách của các đối tác lớn và sớm định vị Việt Nam trong tháp công nghệ thế giới.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia cùng các đại diện đến từ các Bộ, Viện nghiên cứu, trường đại học…(Ảnh: Hoa Việt) |
Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến, trao đổi tại Tọa đàm, cho rằng những kết quả này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tham mưu chính sách về định hướng hội nhập kinh tế của Việt Nam giai đoạn tới, đồng thời đóng góp thiết thực vào công tác chuẩn bị Hội nghị Ngoại giao 32, cũng như tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.