Công tác kiểm tra, giám sát hội viên được quán triệt, thực hiện nghiêm túc
Ở nhiều địa phương trên cả nước, từ khi được thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp đã tiến hành quán triệt, phổ biến Quy tắc này tới hội viên – nhà báo thuộc đơn vị mình. Các ý kiến của Hội đồng xử lý vi phạm đều được các cấp hội tiếp thu, ghi nhận và xử lý, nhận được sự đồng thuận cao của hội viên – nhà báo.
Đã có nhiều trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm pháp luật, vi phạm 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bị xử lý. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ thu hồi thẻ hội viên.
Nhà báo Lục Đại Lượng, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Kạn, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn đánh giá, “công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của các cấp Hội Nhà báo. Thực tiễn đã khẳng định, Hội Nhà báo Việt Nam không chỉ ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp mà còn kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra, giám sát nhằm làm cho quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được quán triệt, thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tiễn hoạt động nghiệp vụ của hội viên và người làm báo trong tình hình hiện nay”.
Thực tế cho thấy tại tỉnh Bắc Kạn, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn được đẩy mạnh, đặc biệt từ khi Quốc hội ban hành Luật Báo chí năm 2016 và Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Từ năm 2017 đến nay, Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn ban hành nhiều kế hoạch kiểm tra hội viên; tiếp nhận và xem xét xử lý các đơn thư công dân liên quan đến cán bộ, hội viên, người làm báo.
Qua kiểm tra, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo tỉnh đề nghị 2 chi hội nhà báo trực thuộc tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức,pháp luật đối với hội viên; nhắc nhở 2 người làm báo tuân thủ đúng quy trình tác nghiệp báo chí; nhắc nhở 1 hội viên rút kinh nghiệm và chấp hành nghiêm túc Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Riêng năm 2018, Hội Nhà báo tỉnh quyết định kỷ luật khiển trách 1 viên chức và Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo kỷ luật khiển trách 01 hội viên. Hội Nhà báo tỉnh cũng đề xuất các ngành chức năng phối hợp xem xét, xử lý các hành vi xúc phạm báo chí, thông tin thiếu chuẩn xác về địa phương…
Công tác này được tỉnh thực hiện gắn chặt với công tác tư tưởng, được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện được kiên quyết xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục tổ chức Hội, hội viên, nhà báo và người làm báo.
Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn luôn xác định kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ quan trọng trong lãnh đạo của Ban Chấp hành, là trách nhiệm của Chủ tịch Hội, Ban Kiểm tra và Ban Thư ký các chi hội nhà báo trực thuộc. Do vậy, công tác này được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ theo đúng Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.
Công tác kiểm tra, giám sát được Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn gắn chặt với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp. Việc triển khai quán triệt, học tập các văn bản pháp luật, Chỉ thị, Nghị quyết về quản lý báo chí, quản lý hội viên luôn được thực hiện lồng ghép trong các hội thảo, tọa đàm, gặp mặt, trao đổi nghề nghiệp của Hội; được Ban Thư ký các chi hội nhà báo đưa vào nội dung sinh hoạt định kỳ…
Từng Chi hội đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hội viên
Theo nhà báo Lục Đại Lượng, tại các chi hội trực thuộc cũng thường xuyên tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện hội viên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm hoặc không để tái phạm, góp phần thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Hội.
Đơn cử như tại Chi hội nhà báo Đài PT&TH Bắc Kạn mặc dù trong thời gian qua không có hội viên bị xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, Chi hội luôn quan tâm quản lý, giáo dục, rèn luyện hội viên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm hoặc không để tái phạm, góp phần chủ động thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Hội.
Trong các cuộc họp giao ban Chi hội luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hội viên trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tập trung giám sát việc chấp hành đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là pháp luật báo chí, Điều lệ Hội, Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Tiêu chí Văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam.
Ngoài ra, Chi hội nhà báo Đài PT&TH Bắc Kạn cũng tăng cường trách nhiệm tham mưu cho Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo tỉnh trong hoạt động đúng quy chế; giám sát cán bộ các cấp Hội và hội viên, người làm báo thực hiện quyền và trách nhiệm được giao; ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Có thể nói việc triển khai công tác kiểm tra, giám sát, thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo tỉnh Bắc Kạn đã góp phần tích cực, hiệu quả vào việc kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Hoạt động này không chỉ bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên mà còn tuyên truyền, giáo dục, theo dõi, phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm của hội viên.
Nhà báo Lục Đại Lượng, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Kạn, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Kạn cho rằng, để làm tốt công tác này điều quan trọng là cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chỉ thị, các quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Hội Nhà báo Việt Nam để các tổ chức trực thuộc, cán bộ, viên chức, hội viên nắm vững và tự giác chấp hành. Đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong tổ chức Hội.
“Ngoài ra cần tăng cường kiểm tra, giám sát của Hội gắn với vai trò, trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra và Ban Thư ký các chi hội trực thuộc trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ hội viên, nhà báo thuộc sự quản lý của Hội. Quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ kiểm tra của Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ; được giao lưu, học tập kinh nghiệm kiểm tra, giám sát với Hội Nhà báo các tỉnh trong khu vực” – nhà báo Lục Đại Lượng chia sẻ.