Theo dự thảo luật Căn cước, thông tin về quê quán được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không được thể hiện trên thẻ căn cước công dân.
Điều 18 dự thảo Luật Căn cước trình Quốc hội cho ý kiến sáng 25/10 nêu các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước. Trong đó có ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.
Như vậy so với Luật Căn cước công dân 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ ra khỏi nội dung cần thể hiện trên thẻ căn cước. Thay vào đó, quê quán của công dân sẽ được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia vào dân cư.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng Luật, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay.
Việc dự thảo Luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán” để đảm bảo tính riêng tư, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và vướng mắc trong xác thực các thông tin.
Các thông tin trên căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (nhân viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương) đồng tình với nội dung này. Theo nữ đại biểu, bỏ thông tin vân tay, quê quán sẽ bảo đảm tính riêng tư cho người dân. Việc điều chỉnh thông tin nơi thường trú in trên thẻ Căn cước công dân thành nơi cư trú phù hợp với thực tiễn vì nhiều người chỉ có nơi tạm trú, không có nơi thường trú.
“Với quy định này, tất cả người dân Việt Nam đều đủ điều kiện để được cấp thẻ Căn cước, có giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự”, bà nói.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy lo ngại tại các đơn vị hành chính đang và sắp thực hiện sắp xếp, khi công dân làm căn cước sẽ tiếp tục phải sửa thông tin trên thẻ do tên gọi đơn vị hành chính thay đổi.
Theo bà, không thể hiện thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước sẽ giúp người dân không phải cấp đổi thẻ. Theo luật hiện hành, trường hợp địa chỉ về cư trú thay đổi (địa giới, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, thôn, xóm…), cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu cư trú và cập nhật và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, thông tin về nơi cứ trú có thể truy cập qua mã QR và định danh điện tử VneID.
“Bỏ thông tin nơi cứ trú sẽ tránh được trường hợp thông tin trên thẻ căn cước và cơ sở dữ liệu quốc gia vênh nhau”, bà nói.
Dự thảo Luật Căn cước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 27/11.