Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường ưu tiên dạy môn Khoa học tự nhiên theo mạch chương trình, còn Lịch sử và Địa lý thì dạy đồng thời hai phân môn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 24/10 phát đi văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn trong việc dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Cụ thể, môn Khoa học tự nhiên có bốn mạch nội dung xuyên suốt, gồm: Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái đất và bầu trời. Bộ đề nghị phân công giáo viên có chuyên môn phù hợp với nội dung dạy học. Việc để giáo viên dạy từ hai mạch nội dung trở lên hoặc toàn bộ môn phải thực hiện từng bước, đảm bảo về chuyên môn.
Bộ lưu ý các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với mạch nội dung, linh hoạt để xếp thời khóa biểu được khoa học, đảm bảo tính sư phạm và khả năng thực hiện của thầy cô.
Về kiểm tra, đánh giá, thầy cô chủ trì môn học ở mỗi lớp sẽ phối hợp với giáo viên khác để thống nhất điểm. Ma trận, nội dung bài kiểm tra định kỳ cần được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình.
Với môn Lịch sử và Địa lý, các trường có thể bố trí dạy hai phân môn Lịch sử và Địa lý đồng thời trong học kỳ. Việc kiểm ra, đánh giá thường xuyên và định kỳ cũng được thực hiện trong quá trình dạy theo từng phân môn.
Ngoài ra, với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trường phân công giáo viên có chuyên môn phù hợp với từng nội dung, ưu tiên giáo viên phụ trách theo từng chủ đề.
Ví dụ, đối với các chủ đề hoạt động hướng tới tự nhiên, giáo viên Địa lý sẽ có ưu thế trong việc giúp học sinh tìm hiểu, huy động các kiến thức và kỹ năng về bảo vệ môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Giáo viên Công nghệ có ưu thế ở chủ đề hướng nghiệp, giúp học sinh tìm hiểu kiến thức về trang thiết bị, dụng cụ lao động và các kỹ năng an toàn.
Quá trình trải nghiệm có thể là hoạt động của cá nhân, nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn, ở trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường, tùy theo nội dung và tính chất của hoạt động.
Theo chương trình mới, từ năm 2021, học sinh THCS không học Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ mà học Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, gọi là môn tích hợp.
Về lý thuyết, môn này chỉ cần một người đảm nhiệm nhưng vì phần lớn giáo viên hiện nay được đào tạo để dạy đơn môn nên các trường thường phân công giáo viên môn nào dạy môn đó, tới bài của ai thì người đó dạy. Có trường lại bố trí giáo viên dạy lần lượt từng môn trong sách nên thời khóa biểu bị đảo lộn, có giáo viên một tuần dạy vài chục tiết nhưng có tuần lại thiếu tiết.
Giữa tháng 8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc dạy tích hợp là một trong những điểm nghẽn và khó khăn nhất khi triển khai chương trình mới, và có thể được điều chỉnh.
Nhiều người, trong đó có giáo viên, đề xuất tách các môn này về thành đơn môn như cũ. Khảo sát của VnExpress hôm 29/8, hơn 3.900 trong số gần 4.400 người mong muốn điều này.
Tuy nhiên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, trưởng Ban nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng rất đáng tiếc nếu môn tích hợp bị tách về từng đơn môn, bởi dạy tích hợp là chủ trương đúng, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực như mục tiêu của chương trình mới. Theo bà, các trường nên được tạo điều kiện để tự chủ việc này. Trường nào đang làm tốt thì khuyến khích tiếp tục, nơi khó khăn cần được hỗ trợ.
Trước đó, để đáp ứng dạy môn tích hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình bồi dưỡng cho giáo viên, thời lượng 20-36 tín chỉ. Trong khoảng 6 tháng, một giáo viên Lịch sử được bồi dưỡng để dạy thêm môn Địa lý, các môn khác cũng tương tự.