Nhà giàu vẫn được hưởng lãi suất 11%/năm
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục điều chỉnh lãi suất. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm sốc xuống chỉ còn 2,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng được duy trì ở mức thấp 5,1%/năm.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất chung trên thị trường cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng phổ biến ở mức dưới 6%/năm. Còn rất ít đơn vị duy trì trên mức này như Ngân hàng TMCP Quốc dân – NCB (6,4%/năm), Ngân hàng Xây dựng – CB (6,3%/năm), Ngân hàng TMCP Đông Á – DongA Bank (6,1%/năm), Ngân hàng TMCP Việt Á – VietA Bank (6,1%/năm), Ngân hàng TMCP Bảo Việt – BaoVietBank (6,1%/năm) và Ngân hàng Đại Dương – OceanBank (6,1%/năm).
Dù vậy, thực tế, trên thị trường vẫn còn những mức ưu đãi cao hơn rất nhiều. Và các ưu đãi đó chỉ dành cho người giàu.
Cụ thể, từ ngày 23/10/2023, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – PVComBank áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, mức cao nhất tại nhà băng này chỉ còn là 5,7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, đây là chính sách cho khách hàng phổ thông, còn với giới nhà giàu thì khác.
Dù biểu niêm yết liên tục được PVComBank thay đổi nhưng mức cao nhất vẫn được duy trì ở con số 11%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Chỉ những hợp đồng mới có giá trị 2.000 tỷ đồng trở lên mới được hưởng chính sách này.
Trước đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất với 9,6%/năm. Hiện tại, HDBank vẫn duy trì được vị trí này dù mức “đỉnh” giảm mạnh xuống 8,6%/năm.
Cụ thể, tại HDBank, lãi suất cao nhất đang là 8,6%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng và có giá trị từ 300 tỷ đồng trở lên. Còn với kỳ hạn 12 tháng và giá trị tiền gửi tương tự, lãi suất thực hiện là 8,2%/năm.
Như đã nêu trên, tại DongA Bank, lãi suất cao nhất chỉ là 6,1%/năm (kỳ hạn 13 tháng). Với hợp đồng 12 tháng, con số mà khách hàng nhận được chỉ là 5,85%/năm. Tuy nhiên, DongA Bank duy trì chính sách cộng biên độ. Biên độ cao nhất là khách được hưởng là 0,25%. Điều đó có nghĩa mức lãi cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng cũng là 6,1%/năm.
Dù vậy, giới nhà giàu khi gửi tiết kiệm tại DongA Bank sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn.
Theo đó, khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên: áp dụng mức lãi suất là 8,00%/năm cho khung 365 ngày/năm và 7,89%/năm cho khung 360 ngày/năm.
Lãi suất được dự báo tiếp tục giảm
Trong báo cáo mới được công bố, nhóm phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 5,45% (giảm 2,8% so với đầu năm).
Theo KBSV, các chính sách nới lỏng có độ trễ tiếp tục là động lực lớn nhất cho đà giảm của lãi suất. Do các khoản huy động của hệ thống ngân hàng phần lớn từ tiền gửi khách hàng (chiểm tỷ trọng khoảng 70%-80%) có kỳ hạn chủ yếu từ 6 -12 tháng khiến cho chi phí vốn nửa đầu năm của ngân hàng vẫn ở mức cao. Vì vậy, khi các khoản tiền gửi này đạo hạn sẽ làm giảm COF của hệ thống, qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Tăng trưởng tín dụng đã có cải thiện gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với mục tiêu 14% -15%. Dư địa cho vay còn lớn khi LDR toàn hệ thống đạt 76.7% tính đến tháng 8, trong khi tăng trưởng tín dụng còn cách xa chỉ tiêu được giao sẽ là động lực cho việc giảm lãi suất cho vay.
Thông tư 06/2023 cho phép khách hàng vay để đảo nợ. Thông tư 06 được thi hành từ 01/09 đã thúc đẩy các ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi nhằm đạt chỉ tiêu tín dụng đã được giao, từ đó làm giảm lãi suất cho vay.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tác động của thông tư 06 sẽ cần thời gian để minh chứng vì câu chuyện cho vay để đảo nợ được đánh giá là không dễ dàng và nhiều thủ tục đi kèm khoản phí phạt trả nợ trước hạn lớn”, KBSV bình luận.
Dù vậy, theo KBSV, vẫn còn đó những yếu tố ngăn cản đà giảm tiếp theo của lãi suất huy động. Đó là áp lực lạm phát, áp lực tỷ giá và áp lực thanh khoản.
Hoàng Tú