Thông tin trên được Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH, Tống Văn Lai nêu chiều 17/10.
Theo ông Lai, phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia dự kiến khởi động lại vào cuối tháng 11 năm nay nên có thể không kịp điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/1/2024.
“Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay. Dự kiến cuối tháng 11, phiên thương lượng thứ hai mới diễn ra. Sau phiên họp bàn này, Hội đồng tiền lương quốc gia mới thống nhất và trình đề xuất lên Chính phủ. Quy trình như vậy nên chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm sau”, ông Lai thông tin.
Trước đó, đầu tháng 8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên, bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Kết thúc phiên họp thứ nhất vào sáng 9/8, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất thời điểm họp các phiên tiếp theo vào quý IV năm 2023 thay vì thực hiện trong quý III như thông lệ.
Tại phiên họp, đại diện người lao động, chủ sử dụng lao động… trình bày các căn cứ, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Về cơ bản, tất cả các thành viên đều chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, chia sẻ với đời sống của công nhân, người lao động, thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.
Bộ phận kĩ thuật đưa ra đề xuất tăng lương vào thời điểm từ ngày 1/1/2024 hoặc ngày 1/7/2024. Mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc sao để lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu.
Công đoàn mong muốn mức điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2024 tăng từ 5-6%.
Trước phiên họp, tổ chức công đoàn thực hiện khảo sát ở 200 doanh nghiệp thuộc 6 tỉnh, thành. Kết quả, trên 75% người được khảo sát cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Bên cạnh đó, 17,3% số người tham gia khảo sát phải vay tiền chi tiêu.
Theo công đoàn, kết quả lấy ý kiến cho thấy người lao động muốn tăng lương từ đầu năm 2024 với mức trên 11%.