Theo báo cáo tài chính quý III mới công bố, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) ghi nhận doanh thu thuần giảm mạnh 38% so với cùng kỳ, về mức 926 tỷ, lần đầu xuống dưới mốc nghìn tỷ đồng/quý sau 2 năm.
Tuy nhiên, công ty cũng cắt giảm phân nửa giá vốn nên vẫn có lãi gộp gần 400 tỷ đồng, chỉ còn giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giúp biên lãi gộp leo lên 43% – mức cao nhất từ khi Nhựa Bình Minh gia nhập hệ sinh thái của Tập đoàn SCG (Thái Lan) vào đầu năm 2018.
Công ty cũng tiết giảm mạnh các chi phí bán hàng, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp. Nhờ đó, Nhựa Bình Minh đã báo lãi sau thuế tăng trưởng 19%, lên gần 209 tỷ đồng và đồng thời lập thêm kỷ lục về biên lãi ròng khi đạt 22,5%.
Cộng thêm kết quả tốt đầu năm, Nhựa Bình Minh thông báo mức lãi ròng cao nhất từ trước đến nay, với 784 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng đầu năm, tăng 75% so với cùng kỳ và qua đó sớm vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm (651 tỷ đồng).
Đây là mức lợi nhuận tốt nhất của doanh nghiệp dù mới đi được 3/4 chặng đường, cao hơn tất cả mức lợi nhuận hàng năm trong quá khứ của công ty. Theo đó, nhiều khả năng doanh nghiệp nhựa lớn nhất miền Nam sẽ nối dài mạch tăng trưởng dương kể từ sau Covid-19.
Nhựa Bình Minh đến nay có quy mô tổng tài sản đạt gần 3.500 tỷ đồng. Phần lớn tài sản nằm ở dạng tiền nhàn rỗi với gần 2.000 tỷ đồng (bao gồm 675 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, cùng với 1.360 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn).
Theo kế hoạch năm nay, Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu doanh thu 6.357 tỷ và lợi nhuận sau thuế 651 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến sẽ trích ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức cho năm 2023 (công ty dành đến 99% lợi nhuận năm ngoái để chia cổ tức 2022).
Mới đây, doanh nghiệp sản xuất nhựa này bị xử phạt hành chính gần 9 tỷ đồng về thuế. Tổng cục Thuế kết luận, Nhựa Bình Minh khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng trong ba năm 2020-2022 nên phải truy thu kèm phạt tiền chậm nộp.
Với kết quả khả quan trong kinh doanh, giá cổ phiếu BMP trong xu hướng tăng từ đầu năm. Thị giá BMP có lúc chạm mốc kỷ lục hơn 106.000 đồng/cp vào giai đoạn gần cuối tháng 7, trước khi quay đầu điều chỉnh và hiện ở vùng 85.000 đồng/cp, vẫn tăng hơn 51% so với đầu năm.