Nhiều chuyên gia cho rằng, với thực trạng trên, nếu chỉ dùng biện pháp hành chính, cấm và tiêu hủy hết, rất khó thực hiện.
Nhóm sản phẩm thuốc lá mới chưa được phép nhập khẩu, lực lượng chức năng đã tăng cường phòng chống buôn lậu, song tình hình vẫn diễn biến phức tạp, ông Cao Trọng Quý – Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm ( Cục Công nghiệp-Bộ Công Thương) cho biết tại tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 19/10/2023.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nóng vẫn vào Việt Nam qua con đường nhập lậu hoặc xách tay, được mua, bán dễ dàng.
“Thuốc lá mới nhập lậu không chỉ khiến Nhà nước không thu được thuế, mà còn khiến người dân sử dụng sản phẩm không được quản lý về chất lượng dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe”, ông Cao Trọng Quý nhấn mạnh.
Thuốc lá mới là sản phẩm công nghệ mới mẫu mã đa dạng bắt mắt, hương vị hấp dẫn, thu hút và đang hướng đến giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Kết quả điều tra lứa tuổi 13 – 15 cho thấy, có tới 60% các em trả lời đã được người khác cho thuốc lá điện tử lậu, 20% đi mua và 2% là mua từ chính các bạn. Các sản phẩm lậu hướng tới đối tượng là trẻ, với “Đây là thực trạng rất đáng báo động!”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ lên tiếng.
Hiện có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng. 111 quốc gia ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử, trong đó có 28 nước EU, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines…
Trên thế giới đã có 184/195 quốc gia đưa các sản phẩm thuốc lá mới vào quản lý thì Việt Nam không thể đứng ngoài, ông Vũ Công Thảo -Chuyên viên Cao cấp Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ phát biểu.
Mục tiêu tọa đàm được Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức nhằm đưa ra các đề xuất hoàn thiện khung pháp lý đối với các sản phẩm thuốc lá mới với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mặt hàng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) chưa được định danh cụ thể tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và cũng không thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện hay bị áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
“Chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường. Cấm mặt hàng này cũng không khả thi về mặt thực tiễn”, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm.
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá, cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Bộ Công Thương đã hai lần trình Chính phủ nghị định về quản lý thuốc lá mới, song hiện vẫn chưa thống nhất với Bộ Y tế. Bộ Công Thương đang xây dựng nghị định theo hướng tiệm cận gần nhất với Bộ Y tế để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý cũng như thông lệ quốc tế.
Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng do Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về thuốc lá mới, vẫn đang có khoảng trống trong quy định pháp luật nên không có công cụ, phương tiện để quản lý.
Quản lý thuốc lá mới đang gặp khó khăn trong nhận thức do vẫn chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, còn thiên lệch khi mới tập trung vào việc làm thế nào để giảm bớt tác hại của thuốc lá mới mà chưa quan tâm đến tính tổng thể của hệ thống các quy định. Phải có cơ quan chức năng để đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe, môi trường sống, môi trường xã hội.
Cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý cho dòng sản phẩm mới này. Trong khi chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh, cần có những biện pháp tức thời để kiểm soát ngay vấn đề giới trẻ tiếp xúc với thuốc lá mới, chẳng hạn như kiểm tra độ tuổi, quy định chặt chẽ kênh bán lẻ, xử lý nghiêm minh các vi phạm đối với vấn đề nhập lậu, lưu thông sản phẩm không đúng luật… ông Tạ Văn Hạ nêu ý kiến.
Theo quan điểm của Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Đại Hải : Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã nghiêm cấm trẻ em dưới 18 tuổi hút thuốc lá, không phân biệt thuốc là truyền thống hay thuốc lá mới.
Thuốc lá mới tràn ngập thị trường là do khoảng trống trong quy định điều kiện kinh doanh cho thuốc lá mới. Nếu chờ sửa luật rất lâu, nên sớm giao cho Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu đối với sản phẩm này (tức sửa ngay Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất và kinh doanh thuốc lá), ông Lê Đại Hải nêu quan điểm.
TS.Nguyễn Đức Kiên nhắc lại tinh thần của Chính phủ đối với vấn đề thuốc lá mới là tôn trọng thực tế khách quan, nhưng vẫn có những biện pháp đồng bộ, vừa bảo đảm người dùng được dùng hàng chất lượng và bảo đảm không thất thu ngân sách của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm là quản lý được trên thị trường về giá để không tạo thành một mặt hàng siêu lợi nhuận và cuối cùng là bảo đảm yếu tố bao trùm là bảo vệ sức khỏe người dân Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì đề xuất phương án quản lý thuốc lá mới. Cơ quan này cần khẩn trương đề xuất phương án trình Chính phủ xem xét, ban hành, TS.Nguyễn Đức Kiên phát biểu.
Thuốc lá mới không chỉ là một mặt hàng mà là lĩnh vực rất rộng, vì liên quan nhiều bộ ngành quản lý (Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế)… Nếu chỉ có biện pháp hành chính, cấm và dùng biện pháp tiêu hủy hết thì rất khó thực hiện.
Để quản lý thuốc lá mới, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các biện pháp đưa ra phải hài hòa lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng dân cư – thế hệ trẻ, lợi ích của doanh nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ 6 tới, Quốc hội nên có một dòng trong Nghị quyết Kỳ họp giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi văn bản liên quan quản lý thuốc lá, trong lúc chưa sửa Luật. Như thế sẽ có căn cứ để các cơ quan nghiên cứu thực hiện, ông Kiên đề xuất.
Đây là vấn đề mới nên cần có sự đánh giá của các nhà khoa học về tác động của thuốc lá mới đối với sức khỏe con người, với môi trường sống, từ đó làm sở cứ cho các chính sách ứng xử phù hợp.