Vợ chồng tôi dự định có em bé, đang tiêm các loại vaccine cho phụ nữ chuẩn bị mang thai để có miễn dịch bảo vệ mẹ và con, còn tôi có cần thiết tiêm vaccine không? (Nhật Nam, 26 tuổi, Bình Phước)
Trả lời
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của phụ nữ sẽ hoạt động kém hơn bình thường, sức đề kháng yếu ớt, dẫn tới nguy cơ nhiễm bệnh cũng tăng lên. Mẹ mắc bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, thai nhi có nguy cơ dị tật, chết lưu hoặc sinh non. Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ mẹ và em bé khi mang thai, sau khi em bé chào đời.
Khi người chồng mắc các bệnh như thủy đậu, quai bị, rubella, cúm, ho gà, bạch hầu… hoặc các bệnh lây qua đường máu, đường tình dục, người vợ có nguy cơ bị lây nhiễm khá cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc mang thai hoặc ảnh hưởng đến thai nhi nếu vợ đang trong thai kỳ.
Do đó, người chồng nên tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine phòng virus HPV, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan B, cúm, viêm não Nhật Bản, các bệnh do phế cầu… để bảo vệ bản thân, phòng tránh lây nhiễm cho vợ và người thân.
Phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm các loại vaccine quan trọng gồm: HPV, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, cúm, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não… Các loại vaccine được tiêm ở từng thời điểm nhất định và không thực hiện tiêm cùng một lúc tất cả các loại.
Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 140 trung tâm trên toàn quốc đang có đầy đủ các loại vaccine quan trọng cho trẻ em và người lớn, đa dạng dịch vụ trong đó có gói vaccine cho phụ nữ chuẩn bị mang thai, gói vaccine cho người lớn… Tất cả vaccine được bảo quản chất lượng cao, thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn, bình ổn giá, nhiều ưu đãi.
Bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC