Văn hóa và giáo dục luôn là những điểm chạm tiêu biểu trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Nhân kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, 10 năm đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp, hãy cùng điểm lại những dấu ấn tiêu biểu trong quan hệ song phương kéo dài nhiều thế kỷ qua.
Văn hóa – Điểm tiếp xúc đầu tiên và xuyên suốt của mối quan hệ Pháp – Việt
Ngược dòng về thế kỷ thứ 16, có thể thấy văn hóa là điểm tiếp xúc đầu tiên và xuyên suốt của mối quan hệ Pháp – Việt. Alexandre de Rhodes (15/3/1593 – 5/11/1660), một nhà truyền giáo gốc Pháp đồng thời là một nhà ngôn ngữ học, đã từng sống ở Việt Nam trong một thời gian dài. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ Quốc ngữ Việt Nam thông qua hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh và có công biên soạn Từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium). Ấn phẩm được xuất bản tại Roma năm 1651 và được coi như cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong mối liên hệ sâu sắc giữa hai nước.
Kiến trúc – Sự giao thoa của hai nền văn hóa với Phong cách Đông Dương trường tồn theo thời gian
Ngày 11/7/1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard đã ký một hợp đồng lao động với Toàn quyền Đông Dương để đến Hà Nội làm việc trong 6 tháng. Nhưng ông không ngờ chuyến đi đã kéo dài tới 10 năm. Đây cũng là 10 năm đỉnh cao trong sự nghiệp của vị kiến trúc sư người Pháp, khiến ông được nhắc tên cho đến tận ngày nay.
Ông là cha đẻ của Phong cách Đông Đương – sự kết hợp giữa nét đẹp truyền thống hoài cổ của Việt Nam và phong cách tân cổ điển của Pháp, thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa và bề dày lịch sử. Mỗi công trình mang phong cách này luôn đem đến sự giao thoa hài hòa giữa hai nền văn hóa Việt – Pháp.
Những tuyệt tác để đời của Ernest Hébrard là tòa nhà chính của Đại học Đông Dương, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội hay Bảo tàng Lịch sử Việt Nam…
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được thành lập ngày 3/9/1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế năm 1925 – một đại diện lớn của phong cách Kiến trúc Đông Dương, một phong cách kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa. |
Theo các chuyên gia, yếu tố cốt lõi làm nên vẻ đẹp vượt thời gian cùng sức sống trường tồn của các công trình phong cách Indochine là sự giao thoa giữa quy mô rộng lớn, bề thế, không gian sử dụng hiện đại theo chuẩn mực Pháp với nét tinh tế, đằm thắm và vẻ ngoài e ấp đậm chất Á Đông của Việt Nam.
Bản sắc Văn hóa Việt – Tình yêu trong trái tim Cựu tổng thống Pháp Jacque Chirac
Hình ảnh Cựu tổng thống Pháp Jacque Chirac được treo trang trọng tại Trường Kinh Doanh Paris (PSB) cho những đóng góp của Ông vì sự tiến bộ chung của Thế giới và Ông cũng được biết đến là “Một người Pháp yêu mến Việt Nam” |
Jacques Chirac sinh ngày 29/11/1932 tại Paris trong gia đình có bố là viên chức quản lý hành chính tại một công ty máy bay và mẹ là nội trợ. Ông chính là người đưa sự kiện Thượng đỉnh đầu tiên đến Việt Nam. Năm 1997, Thượng đỉnh Francophonie đã được tổ chức ở Việt Nam và cũng là lần đầu tiên ở châu Á.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 12-13/11/1997, trước phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Jacques Chirac khẳng định mong muốn phát triển “đối tác ưu tiên” giữa hai nước.
Nổi tiếng là người thân thiện, gần gũi, là vị Tổng thống được người dân Pháp yêu quý nhất, Jacques Chirac còn được biết là người đam mê những nền văn hóa nguyên thủy. Ông từng nói: “Văn hóa, cốt cách văn hóa là tinh hoa của một dân tộc. Một dân tộc có 54 dân tộc như đất nước Việt Nam mà có được một Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, ghi lại nền văn hóa của từng ấy dân tộc là một điểm sáng, một viên kim cương lưu giữ lại văn hóa dân tộc Việt Nam”.
Nhấn mạnh văn hóa là nền tảng, cốt cách của mỗi dân tộc, ông Jacques Chirac khẳng định mỗi quốc gia phải nên giữ lại cốt cách đó.
Khi đặt chân đến Việt Nam, ông rất ấn tượng với câu hát: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Lời ca khiến ông suy nghĩ rằng mỗi người chúng ta đều đại diện cho một lịch sử, một nền văn hóa. Sự tôn trọng và hiểu biết văn hóa của mình là yếu tố căn bản bảo đảm sự cân bằng trong tính cách của mỗi cá nhân và trong sự phát triển của cả đất nước.
Hợp tác giáo dục Việt Pháp: 50 năm đồng hành vì sự tiến bộ
Nếu như văn hóa đưa người Pháp đến gần hơn với Việt Nam, hợp tác giáo dục là nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ và phát triển bền vững.
Hợp tác giáo dục – đào tạo giữa hai nước đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục – đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong các lĩnh vực như quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới… Hai bên đã ký kết và hợp tác triển khai nhiều dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo.
Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher từng cho biết: “Quan hệ Pháp-Việt thời gian qua là 50 năm chia sẻ và tin cậy, trong sự tôn trọng chủ quyền và tôn trọng sự khác biệt. Pháp tự hào đã đồng hành cùng Việt Nam 50 năm trên con đường vì sự tiến bộ trong đó hợp tác giáo dục là một ví dụ thành công”.
Với chiều dài 50 năm hình thành và phát triển tại Pháp, 15 năm đồng hành trong liên kết đào tạo cùng các Đại học hàng đầu của Việt Nam, Đại học Quản trị Paris đã, đang và sẽ đóng góp một vai trò tích cực trong việc nâng cao kinh nghiệm quản lý của các nhà quản trị trong nước, khẳng định được năng lực, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế đồng thời luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.