Ngoại trưởng Đức trở lại Israel, Taliban muốn gia nhập BRI, Nga chỉ trích IOC ‘phân biệt chủng tộc’… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) và người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem ngày 19/10. (Nguồn: GPO) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga đánh chặn bom thông minh của Mỹ: Ngày 18/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Trong ngày, các hệ thống phòng không đã chặn 4 tên lửa của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và 1 quả bom dẫn đường JDAM do Mỹ sản xuất”. Phòng không Nga bắn hạ 51 máy bay không người lái (UAV) ở Donetsk, các điểm dân cư Chervonaya Dibrova thuộc Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, Lozovoye thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Kamenskoye, Chervonogorka, Novofedorivka thuộc tỉnh Zaporizhzhia, Trại Cossack, Sahi ở tỉnh Kherson và Zhovtneve thuộc tỉnh Kharkov. (TASS)
* Nga cảm ơn Triều Tiên ủng hộ hoạt động quân sự ở Ukraine: Ngày 18/10, phát biểu tại buổi tiếp đón do Triều Tiên tổ chức cùng ngày, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định, Moscow “trân trọng sự ủng hộ có nguyên tắc và kiên định” của Bình Nhưỡng đối với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Theo trích dẫn trên trang web Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov nêu rõ: “Tương tự như vậy, Nga mở rộng sự ủng hộ và đoàn kết hoàn toàn với nguyện vọng của Triều Tiên trong con đường phát triển mà họ đã chọn”. Ngoại trưởng xứ bạch dương cho biết, chuyến thăm mang đến “cơ hội quý giá” để xem xét và vạch ra các bước thực tế nhằm thực hiện thỏa thuận đã đạt được giữa hai nhà lãnh đạo.
Ngày 18/10, ông Lavrov đã đến Bình Nhưỡng để tham dự các cuộc gặp được coi là tạo tiền đề cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã tăng cường hợp tác với Triều Tiên. Chuyến thăm hai ngày của ông Lavrov diễn ra một tháng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên có chuyến thăm hiếm hoi tới Nga, trong đó ông mời Tổng thống Putin tới Bình Nhưỡng và thảo luận về hợp tác quân sự.
Hãng TASS (Nga) trước đó cho biết ông Lavrov có thể thông báo cho phía Triều Tiên về kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin. (TASS)
* 10 người thiệt mạng sau các vụ tấn công tại Ukraine: Ngày 18/10, trong bài phát biểu hằng đêm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, thương vong sau vụ nổ sáng cùng ngày ở tòa nhà tại Zaporizhzhia đã tăng lên 5 người.
Trước đó, một người phụ nữ 31 tuổi đã thiệt mạng trong cuộc tấn công gần làng Obukhivka, Dnipropetrovsk, 2 người khác thiệt mạng trong một vụ tấn công đêm ngày 17/10 tại Kherson. Tối cùng ngày, Bộ Nội vụ Ukraine tìm thấy 2 thi thể từ đống đổ nát của cửa hàng thực phẩm trúng tên lửa tại Mykolaiv. (Reuters)
* VSU đạt tiến triển ở phía Nam: Ngày 18/10, viết trên Telegram, Tướng Oleksandr Tarnavskyi, người chịu trách nhiệm cho các hoạt động quân sự của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) ở miền Nam, cho biết: “(Các lực lượng từ Tavria) đang tiếp tục các đợt tấn công. Họ đã đạt một số thành công tại Rabotino”.
Ông Oleksandr Shtupun, người phát ngôn của các lực lượng miền Nam của Ukraine, cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Phát biểu trên truyền hình, quan chức này cho biết, các đợt pháo kích quanh Avdiivka đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine tại đây vẫn đang chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. VSU cũng nỗ lực giành lại quyền kiểm soát một số vùng ở miền Đông. (Reuters)
* Tình báo Mỹ: Israel không tấn công bệnh viện ở Gaza: Ngày 18/10, viết trên mạng xã hội X, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết: “Trong khi tiếp tục thu thập thông tin, đánh giá hiện tại của chúng tôi, dựa trên phân tích hình ảnh trên không, thông tin mật cũng như nguồn mở, Israel không chịu trách nhiệm về vụ nổ tại bệnh viện ở Dải Gaza hôm qua”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định vụ việc dường như bắt nguồn từ “tên lửa phóng nhầm” của một “nhóm” khác, dựa trên dữ liệu Bộ Quốc phòng đã cho tôi xem”. (AFP)
* Hơn 1.000 công dân Nga và gia đình mắc kẹt ở Dải Gaza: Ngày 18/10, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Trung Đông, Đại diện thường trực Nga tại LHQ Vasily Nebenzya nêu rõ: “Hơn 2 triệu cư dân trong khu vực này vẫn không có nước, thực phẩm, chăm sóc y tế, nhiên liệu và điện. Trạm kiểm soát duy nhất ở biên giới với Ai Cập là Rafah. Tuy nhiên, khu vực này hiện lại bị tấn công bằng tên lửa và vì thế, không mở cho dân thường và cung cấp hàng hoá nhân đạo. Trong số người bị mắc kẹt trong vụ phong toả quân sự ở Dải Gaza, có khoảng 1.000 công dân Nga và thành viên gia đình họ”.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov cho biết, 1.000 công dân nước này và khối SNG, bao gồm gia đình, đang ở phía Nam Dải Gaza chờ mở cửa khẩu Rafah. Theo ông, tình hình tại khu vực này đã “gần ở mức thảm khốc”. (TASS)
* Israel hoan nghênh sự giúp đỡ của Ấn Độ: Ngày 18/10, Đại sứ Israel tại Ấn Độ Naor Gilon khẳng định Nhà nước Do Thái hoan nghênh bất kỳ sự giúp đỡ nào từ New Delhi để giải thoát hơn 200 người bị phong trào Hamas bắt làm con tin.
Ông nhấn mạnh Israel rất cảm động trước cử chỉ bày tỏ tình đoàn kết của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau các cuộc tấn công của Hamas khiến hơn 1.400 người thiệt mạng. Đại sứ Israel nêu rõ: “Các chỉ huy Hamas đang sống một cuộc sống xa hoa ở những nơi như Istanbul và Qatar. Chúng tôi hiểu rằng, Ấn Độ có một vị trí đặc biệt trên thế giới. Nhiều quốc gia đang cố gắng gây áp lực lên Hamas để bảo đảm thả những thường dân vô tội. Nếu Ấn Độ có thể nói chuyện với những người có ảnh hưởng đối với họ, chúng tôi hoan nghênh điều đó”.
Trong khi đó, Israel đã đồng ý cung cấp viện trợ nhân đạo có giới hạn cho Gaza, thỏa thuận được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố khi thăm quốc gia này. (Hindustan Times)
* Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel nhận định về xung đột: Ngày 19/10, ông Benny Gantz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và hiện là Chủ tịch đảng đối lập Thống nhất quốc gia của Israel nhận định, xung đột của Israel với phong trào Hamas sẽ kéo dài hàng tháng và có thể mở rộng ra mặt trận phía Bắc.
Theo ông, việc tái thiết đất nước sẽ kéo dài hàng năm và chỉ khi công việc này hoàn tất, Israel mới có thể tuyên bố thắng lợi. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng đánh giá mục tiêu của xung đột không chỉ để đánh bại Hamas, mà còn nhằm bảo đảm rằng khu vực phái Nam của Nhà nước Do Thái trở nên “an toàn tuyệt đối”. (Sputnik)
* Anh kêu gọi ngưng leo thang xung đột Israel-Hamas: Ngày 19/10, phát biểu khi họp báo chung với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh: “Điều quan trọng là xung đột không leo thang ra toàn khu vực. Đó là lý do tại sao tôi phải đối thoại với càng nhiều người càng tốt trên toàn khu vực”.
Ông cam kết Anh sẽ sát cánh cùng Israel “trong những thời khắc đen tối nhất”, hoan nghênh quyết định cho phép viện trợ đi vào Gaza, đồng thời khẳng định Israel đang làm mọi thứ có thể để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Nhà lãnh đạo này bày tỏ: “Tôi biết ngài đang thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để tránh làm hại dân thường, trái ngược hoàn toàn với Hamas, vốn tìm cách gây nguy hại cho thường dân. Tôi hoan nghênh quyết định của ngài ngày hôm qua, bảo đảm các tuyến đường vào Gaza sẽ được mở để tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo. Tôi tự hào được đứng đây cùng ngài.
Trong thời kỳ đen tối nhất của Israel, chúng tôi sẽ luôn sát cánh trong tình đoàn kết. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng người dân Israel và chúng tôi muốn đất nước của ngài chiến thắng”.
Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh cho hay ông Sunak và ông Netanyahu đã thảo luận về sự cần thiết phải ngăn chặn hành động leo thang xung đột hiện nay với Hamas. Tuyên bố cho biết: “Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn bất kỳ hành vi leo thang khu vực trong cuộc xung đột và tầm quan trọng của việc khôi phục hòa bình và sự ổn định cho khu vực”. (Reuters)
* Mỹ phối hợp với Ai Cập trong vấn đề viện trợ cho Gaza: Ngày 19/10, Tướng Michael Kurilla, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ, đã đến Cairo, Ai Cập để thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Abdel Fattah el-Sisi về xung đột Israel-Hamas và hoạt động vân chuyển hàng cứu trợ cho Dải Gaza.
Trong cuộc gặp, ông Sisi đã nhấn mạnh nỗ lực của Ai Cập nhằm ngăn ngừa xung đột leo thang, tầm quan trọng của các nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng từ của cộng đồng quốc tế. Cairo cũng đánh giá, việc vận chuyển hàng cứu trợ theo cách thức phù hợp là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh tình hình nhân đạo tại Gaza xấu đi.
Trước đó, sau đàm phán trực tiếp ở Israel và điện đàm căng thẳng với Ai Cập, Tổng thống Mỹ Biden cho biết, một số lượng hạn chế xe tải sẽ được phép đi qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập đến Gaza từ ngày 20/10. Đây sẽ là đợt cứu trợ quốc tế đầu tiên đến Gaza kể từ ngày 7/10, khi Hamas tiến hành đợt tấn công vào Israel.
Song lãnh đạo và quan chức Nhà nước Do vẫn lo ngại việc vận chuyển viện trợ có thể bị lợi dụng để mang vũ khí vào, còn Ai Cập thận trọng khi việc mở cửa có thể đưa hàng chục nghìn người tị nạn vào lãnh thổ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ phong toả tài chính của Hamas, bác nghị quyết Liên hợp quốc liên quan đến Israel |
Đông Nam Á
* Campuchia, Lào đánh giá cao quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện: Sáng ngày 19/10, gặp gỡ bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao thành tựu của quan hệ đối tác chiến lược lâu dài và toàn diện, thiết lập năm 2019.
Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, giáo dục, năng lượng, cũng như trao đổi chuyến thăm giữa các lãnh đạo cấp cao.
Thủ tướng Hun Manet bày tỏ ủng hộ việc duy trì “diễn tập chung cứu trợ thiên tai ba bên Campuchia-Lào-Việt Nam” tháng 9/2022. Đồng thời, ông đề cập một số sáng kiến liên quan đến thúc đẩy hợp tác du lịch thông qua triển khai hợp tác du lịch ba bên Campuchia-Lào-Việt Nam với tên gọi “Ba quốc gia, một điểm đến” và thiết lập các chuyến bay thẳng Phnom Penh-Vientiane-Phnom Penh.
Về phần mình, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith bày tỏ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển. Chủ tịch nước Lào cũng bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Campuchia về hợp tác du lịch ba bên “Ba quốc gia, một điểm đến”.
Thủ tướng Hun Manet cũng nhận lời mời của Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith sang thăm chính thức Lào vào thời điểm thích hợp trong tương lai. (Fresh News)
* Trung Quốc kêu gọi nỗ lực đối phó tội phạm xuyên biên giới với Thái Lan: Ngày 19/10, hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố hai nước cần tăng cường nỗ lực trấn áp tội phạm xuyên biên giới, gian lận viễn thông và cờ bạc trực tuyến.
Đài truyền hình trung ương CCTV (Trung Quốc) dẫn lời ông Tập cho hay, nước này sẵn sàng tăng cường hợp tác với Thái Lan trong khuôn khổ đa phương. (Tân hoa xã)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Nga nhận lời mời thăm Thái Lan |
Nam Á
* Taliban muốn chính thức gia nhập BRI của Trung Quốc: Ngày 19/10, trả lời phỏng vấn tại Bắc Kinh sau khi BRF kết thúc, Quyền Bộ trưởng Thương mại của Taliban, ông Haji Nooruddin Azizi nói: “Chúng tôi đã đề nghị Trung Quốc cho phép chúng tôi trở thành một phần của Sáng kiến BRI và Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan… (và) đang thảo luận về vấn đề kỹ thuật, ngay hôm nay”.
Theo quan chức này, Taliban sẽ cử một nhóm kỹ thuật tới Trung Quốc để có thể “hiểu rõ hơn” các vấn đề cản trở việc tham gia BRI. Tuy nhiên, ông không giải thích chi tiết. Quan chức này nói thêm: “Trung Quốc, quốc gia đầu tư khắp thế giới, cũng nên đầu tư vào Afghanistan… chúng tôi có mọi thứ họ cần, chẳng hạn như lithium, đồng và sắt… Afghanistan hiện nay sẵn sàng đón nhận đầu tư”.
Khi được hỏi về các thách thức an ninh, ông Azizi khẳng định an ninh là một trong những ưu tiên của chính quyền Taliban. Tuy nhiên, quan chức của lực lượng này cũng khẳng định sau 20 năm chiến tranh, nhiều khu vực đã an toàn. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Liên hợp quốc kêu gọi ‘hỗ trợ phụ nữ Afghanistan bằng mọi cách’ |
Đông Bắc Á
* Nga–Triều cam kết tìm giải pháp ngoại giao cho bán đảo Triều Tiên: Ngày 19/10, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Triều Tiên Choe Son Hui đã thảo luận tại Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong hội đàm, “(hai bên) tiến hành trao đổi quan điểm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á. Hai bên cho thấy cam kết chung về một giải pháp chính trị và ngoại giao cho các vấn đề tồn tại ở đây và thái độ sẵn sàng thực hiện các nỗ lực chung nhằm giảm căng thẳng tại khu vực”.
Ngoại trưởng hai nước khẳng định quyết tâm đối phó “tham vọng bá quyền” của Mỹ, bởi điều này khiến châu Á-Thái Bình Dương căng thẳng hơn. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ đưa B-52 mang đầu đạn hạt nhân tập trận với Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên phản ứng |
* Ông Putin cáo buộc IOC “phân biệt chủng tộc” với vận động viên Nga: Ngày 19/10, phát biểu tại một diễn đàn thể thao ở thành phố Urals, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Nhờ một số lãnh đạo của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hiện đại, chúng ta mới phát hiện ra rằng lời mời tham dự Thế Vận hội không phải là một quyền lợi vô điều kiện cho những vận động viên tốt nhất. Thay vào đó, nó lại là một dạng đặc quyền và bạn có thể nhận được không phải dựa trên những kết quả về mặt thể thao mà lại bằng một số cử chỉ chính trị”.
Ông nhấn mạnh rằng bản thân sự kiện Thế Vận hội có thể bị lợi dụng như một công cụ gây sức ép về chính trị nhằm vào những người không liên quan gì đến chính trị. Theo nhà lãnh đạo này, trên thực tế đây là hành vi phân biệt chủng tộc và sắc tộc. Ông cũng lưu ý một số quan chức thể thao “chỉ đơn giản là tự trao cho mình quyền xác định ai sẽ được trao huy chương Olympic và ai không được”.
Tuyên bố trên được nhà lãnh đạo xứ bạch dương đưa ra trước thềm Thế Vận hội Paris 2024, khi các vận động viên Nga và Belarus bị cấm thi đấu dưới quốc kỳ của mình. Hiện IOC vẫn phải đưa ra quyết định cuối cùng, đó là liệu các vận động viên từ Nga và Belarus, đồng minh chủ chốt của Moscow trong cuộc chiến tại Ukraine, có được phép thi đấu vào mùa Hè năm tới hay không.
Tuần trước, IOC đã đình chỉ tư cách thành viên của Ủy ban Olympic Nga vì đã công nhận các cơ quan thể thao ở 4 vùng lãnh thổ Moscow sáp nhập từ Ukraine. (Sputnik)
* Thụy Sỹ đánh giá tình hình ở biên giới với Italy: Ngày 19/10, phát biểu trong cuộc họp ở Luxembourg, thành viên Hội đồng Liên bang, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sỹ Elisabeth Baume-Schneider, cho biết nước này chưa có kế hoạch thắt chặt kiểm soát ở biên giới với Italy.
Bà khẳng định Bern không muốn áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt với Rome. Tuy nhiên, nước này đã tăng nhân sự về công tác biên phòng. Hiện Thụy Sỹ ưu tiên kiểm soát chọn lọc, hơn là áp dụng biện pháp nghiêm ngặt.
Trước đó, để đối phó với số lượng lớn người tị nạn và người di cư, Đức tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Thụy Sỹ. Theo bà Elisabeth Baume-Schneider, Bern hiểu quyết định của Berlin, đặc biệt là sau khi xảy ra một vụ tai nạn thương tâm gần đây ở khu vực Đông Nam của nước Đức. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Phim bom tấn của Hollywood hút khách Thụy Sỹ, dẫn dắt ngành công nghiệp điện ảnh |
* Ngoại trưởng Đức tiếp tục tới Trung Đông: Ngày 19-20/10, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tiếp tục tới Jordan, Israel và Lebanon. Đáng chú ý, chuyến thăm này diễn ra ít lâu sau chuyến thăm Israel và Ai Cập hồi tuần trước.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức cho biết theo kế hoạch, bà Baerbock tận dụng mọi cơ hội trong chuyến đi để thảo luận với tất cả những người có liên lạc với Hamas nhằm giải thoát các con tin đang bị lực lượng này bắt giữ. Đồng thời, chuyến đi sẽ tập trung vào tình hình nhân đạo của người dân Palestine tại Gaza.
Dự kiến, Ngoại trưởng Đức sẽ thảo luận với người đồng cấp Jordan. Bà cũng sẽ tham gia đàm phán chính trị ở Tel Aviv, vì đây là “xung đột chống lại Hamas”, không phải “chống lại dân thường Palestine”. Các cuộc thảo luận với đại diện của Cơ quan hoạt động và cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) và những người liên quan khác cũng được lên kế hoạch.
Ngoại trưởng Đức tiếp tục ủng hộ Nhà nước Do Thái đối đầu với Hamas, khẳng định “Israel có quyền tự vệ” trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. (Reuters)