Tại hội thảo tập huấn quy định về Giấy phép lao động cho người nước ngoài theo Nghị định 70/2023/ND-CP diễn ra chiều 16/10, lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho hay, đến tháng 10/2023, có 132.381 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Trong đó, 10.458 lao động không thuộc diện cấp phép lao động và gần 122.000 lao động nước ngoài thuộc diện cấp phép.
Theo báo cáo của các địa phương, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ trên 72%, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực như khoa học công nghệ, sản xuất trong các ngành điện tử, dịch vụ, giáo dục và đào tạo…
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 18/9.
Nêu những điểm mới của Nghị định 70, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Thị Quyên cho biết, nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số khái niệm người lao động nước ngoài là giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật thì không yêu cầu phải có trình độ phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Quy định kể từ ngày 1/1/2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày, kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.
Về cấp lại giấy phép lao động, bổ sung trường hợp được cấp lại giấy phép lao động và giấy tờ liên quan trong hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động.
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải báo cáo qua điện tử về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đến làm việc.
Nghị định quy định thống nhất một đầu mối là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài tại địa phương.
Tại hội thảo, nhiều đơn vị cũng đặt ra những câu hỏi cụ thể liên quan đến quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam và được lãnh đạo Cục Việc làm giải đáp trực tiếp.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, công tác về quản lý lao động nước ngoài được Việt Nam hết sức quan tâm. Trong Nghị quyết của Chính phủ về phát triển thị triển thị trường lao động đã xác định lao động nước ngoài là bộ phận không thể tách rời trong thị trường lao động Việt Nam.
“Về mặt lực lượng lao động và phát triển nguồn nhân lực, không có sự phân biệt giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài làm việc tại đây. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tùy từng thời kỳ sẽ cân đối bổ sung lẫn nhau giữa hai lực lượng lao động này”, ông Bình nói.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, đối với Nghị định 70, mọi thủ tục hành chính được giảm thiểu nhất có thể. Cơ quan soạn thảo đã bàn bạc rất kỹ lưỡng về việc giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Ngoài tất cả các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, Nghị định lần đầu tiên đưa vào quy trình cấp phép lao động nước ngoài làm việc trên nhiều địa bàn. Lần này, được cấp một giấy phép, nêu rõ địa điểm, người nước ngoài có thể làm việc bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam.
Ông Bình đánh giá, Nghị định đổi mới căn bản trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Mọi quản lý lao động nước ngoài được thống nhất ở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.