Nhiều phương án được đề xuất
Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT thi 6 môn, trong đó, Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh thi chung, và tổ hợp các môn KHTN và KHXH thi theo đăng ký nguyện vọng của học sinh. Hình thức thi này mang tới nhiều lợi ích, vừa đảm bảo đánh giá được kết quả học tập THPT vừa căn cứ cho các trường đại học dựa vào kết quả để tuyển sinh. Kết quả nhiều năm cho thấy, tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao và nhiều trường đại học tin tưởng vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, trong năm 2025 khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới nên phương án thi buộc phải thay đổi. Chính vì vậy, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tổ chức lấy ý kiến về phương án thi. Nhìn chung, hiện có quá nhiều phương án được đề xuất cho việc thi tốt nghiệp.
Cụ thể, theo Bộ GD&ĐT có 2 phương án thi tốt nghiệp THPT được lấy ý kiến. Trước hết, phương án 4+2: Thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 3+2, thí sinh học chương trình THPT phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả Lịch sử). Về kết quả khảo sát, trên phạm vi cả nước với trên 130.000 cán bộ, giáo viên tham gia, 26,41% lựa chọn phương án 4+2 trong khi 73,59% lựa chọn phương án còn lại. Còn theo khảo sát tại Hội nghị công tác quản lý chất lượng với 205 đại biểu là lãnh đạo Sở GD&ĐT và lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT có 31,2% đồng ý với phương án 4+2 và 68,8% đồng ý với phương án còn lại.
Bên cạnh các phương án trên, trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đề xuất thêm phương án 2+2. Tức thí sinh học chương trình THPT phải thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử). Theo Bộ GD&ĐT việc lựa chọn phương án 2+2 có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tuy nhiên phương án này nhược điểm làm ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Trước nhiều ý kiến được đưa ra, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã tiến hành ghi nhận ý kiến của nhiều thầy cô. Theo Thầy Nguyễn Xuân Khang (sinh năm 1949, Hiệu trưởng Trường Marie Curie) thầy nghiêng về phương án 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Theo đó, Toán, Văn, Ngoại ngữ là môn bắt buộc còn 2 môn tự chọn học sinh đăng ký theo nguyện vọng từ các môn học còn lại.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Hà Nội cho rằng, cô nghiêng về phương án thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Cô Hiền cho rằng, kết quả khảo sát mà Bộ GD&ĐT báo cáo là phù hợp với thực tế lấy ý kiến. Theo cô, hiện đa số giáo viên nghiêng về phương án thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.
“Đây là phương án giảm áp lực thi cử cho học sinh, lại tạo điều kiện để lấy kết quả thi tốt nghiệp xét tuyển đại học” – cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Nguy cơ chệch hướng, phá vỡ hệ thống
Ngược lại với ý kiến theo hướng tư duy thi cử nhẹ nhàng nhưng lại tạo thuận lợi cho việc xét tuyển đại học thì nhiều giáo viên Bộ môn Lịch sử lại lo lắng. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhiều giáo viên dạy Lịch sử cho rằng, việc không thi môn Lịch sử bắt buộc sẽ là một thảm họa đối với môn học này.
Theo đó, nhiều giáo viên cho rằng, môn Lịch sử là môn học bắt buộc, nay không bắt buộc thi là vô lý. “Bắt buộc học mà không bắt buộc thi là điều quá phi lý. Không thi môn Lịch sử có nghĩa đi ngược với quy định Lịch sử là môn học bắt buộc” – một giáo viên dạy Lịch sử ở Thanh Hóa nêu ý kiến.
Nhiều giáo viên dạy Lịch sử cho rằng, với việc Bộ đưa hai phương án khảo sát thì kết quả ai cũng biết là đa số ý kiến sẽ không lựa chọn phương án môn Lịch sử là môn thi bắt buộc mà là môn thi tự chọn. Lý do dễ hiểu vì học Lịch sử vất vả hơn nhiều môn học khác.
Việc này dẫn đến hệ lụy, không thi thì không học, học sinh sẽ thờ ơ với môn học này. Từ chỗ, môn Lịch sử là môn học bắt buộc nhưng không thi bắt buộc nên thực tế môn Lịch sử cũng giống với các môn học tự chọn khác. Thậm chí, môn Lịch sử vị thế còn thấp hơn so với chương trình giáo dục phổ thông 2006.
“Chúng tôi lo ngại rằng, khi môn Lịch sử không ai lựa chọn thì sẽ là một thảm họa. Kết quả dạy và học môn Lịch sử vốn đã yếu so với các môn học khác nếu nhìn vào điểm số thi. Nay, học sinh không lựa chọn thi đồng nghĩa với việc ngoảnh lưng hoàn toàn với môn học này” – một giáo viên bộ môn Lịch sử nêu ý kiến.
Đồng quan điểm với nhiều giáo viên Lịch sử, nhiều phụ huynh khi được hỏi cho rằng Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cần tập trung cho nhiệm vụ xét tuyển tốt nghiệp. Theo đó, không nên quá ôm đồm nhiệm vụ xét tuyển đại học để rồi quá nhiều phương án, quá nhiều môn thi.
Theo anh Trần Ngọc Nam ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cần bám sát trước hết mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Vì thế, học sinh chỉ cần thi 4 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ và Lịch sử). Căn cứ vào kết quả thi 4 môn này để xét tốt nghiệp. “Đã là học bắt buộc thì phải thi tốt nghiệp. Mà thi tốt nghiệp chỉ cần thi các môn bắt buộc” – anh Trần Ngọc Nam nhấn mạnh.
Như vậy, qua trao đổi với nhiều bên có thể thấy phương án thi tốt nghiệp THPT rất khó để có phương án toàn diện nếu như nó phải gánh vác thêm nhiệm vụ tuyển sinh đại học. Do đó, cần thiết kế làm sao tránh việc nhiệm vụ chính thi tốt nghiệp trở thành nhiệm vụ phụ của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Thi 2+2 liệu có khả thi?Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Lự (Giáo viên THPT ở Vĩnh Phúc) cho rằng, việc thi môn Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn là phù hợp, đúng Luật Giáo dục và đáp ứng yêu cầu phát triển và đánh giá năng lực toàn diện người học của Nghị quyết 29/TW về đổi mới toàn diện giáo dục. Cụ thể, Phương án 2+2 đáp ứng cả 2 mục tiêu tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Môn Ngữ văn và Toán là 2 trong 4 môn bắt buộc, còn 2 môn lựa chọn sẽ theo khối/ngành theo năng lực của thí sinh. Học khối Tự nhiên, thí sinh chọn Hóa – Lý hoặc Hóa – Sinh, hoặc Lý – Tin, Hóa – Công nghệ; khối Xã hội, thí sinh chọn 2 môn Sử – Địa, Địa – Công nghệ, Sử – Mỹ Thuật hoặc Sử – GDKT-PL, Ngoại ngữ – Sử… Thí sinh có thể chọn luôn 4 môn bắt buộc hoặc theo khối D, (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và chỉ chọn thêm môn thứ 4 tùy thích. “Với Phương án 2+2, kỳ thi chung quốc gia sẽ với 1,5 ngày, giảm áp lực học và thi và phù hợp, nhẹ nhàng và ít thay đổi nhất” – thầy Nguyễn Văn Lự nêu ý kiến. |
Trinh Phúc